Gieo chữ ở Hà Tây

03/03/2014 07:35 AM


Đến với xã Hà Tây (huyện Chư Pah), mỗi giáo viên đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng với lòng yêu nghề, quyết tâm đem con chữ đến với các em nhỏ nơi vùng đất khó này, tất cả đều trở thành nhỏ bé...

Đến với xã Hà Tây (huyện Chư Pah), mỗi giáo viên đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng với lòng yêu nghề, quyết tâm đem con chữ đến với các em nhỏ nơi vùng đất khó này, tất cả đều trở thành nhỏ bé...

Hà Tây là xã còn nhiều khó khăn. Đến Hà Tây mới thấy hết được những khó khăn, vất vả của người dân trên vùng đất nghèo nhưng giáo dục vẫn luôn được quan tâm, chú trọng. Nơi ấy, ngày ngày, thầy và trò vẫn miệt mài luyện từng con chữ, phép tính, đưa các em bước những bước đầu tiên trên hành trình mang tên con chữ.

 

Một lớp học ở Trường Tiểu học Hà Tây. Ảnh: Đoàn Hằng
Một lớp học ở Trường Tiểu học Hà Tây. Ảnh: Đoàn Hằng

Trường Tiểu học Hà Tây hiện có 23 lớp học với 667 học sinh,  học sinh của trường gần như 100% các em là người Bahnar. Để lớp học duy trì sĩ số, ngoài tinh thần trách nhiệm của thầy-cô giáo, còn có sự nỗ lực hết mình, ham học hỏi của các em học sinh.

Gia đình khó khăn, dù tuổi nhỏ các em ngoài việc học vẫn phải phụ giúp bố mẹ. Ngoài giờ lên lớp, các em lên nương rẫy. Có những hoàn cảnh đặc biệt nhưng các em vẫn cố gắng đến trường, như trường hợp của em Hồng-học sinh lớp 5B, bố mất sớm, nhà 7 anh em, gia đình hết sức khó khăn nhưng em vẫn đi học chăm chỉ, không vì hoàn cảnh mà nghỉ học. Hay trường hợp em Đoát-học sinh lớp 5A, em bị tật cong cột sống từ nhỏ đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày em vẫn đi bộ một đoạn đường dài đến lớp bằng nghị lực của bản thân và niềm say mê học tập, không từ bỏ ước mơ đến lớp.

 

Đường vào xã Hà Tây. Ảnh: Đoàn Hằng
Đường vào xã Hà Tây. Ảnh: Đoàn Hằng

Đường vào xã gập ghềnh đá sỏi, bụi rát mặt về mùa khô, lầy lội ngang gối khi mùa mưa về nhưng thầy cô không quản mưa nắng, vượt đường khó lên lớp đều đặn, tạo niềm tin cho các em cố gắng đến trường. Cô Trịnh Thị Kiều Hưng-giáo viên Trường Tiểu học Hà Tây, chia sẻ: “Khổ nhất là mùa mưa. Có những đoạn lầy lội phải nhờ người dân khiêng cả xe qua, giáo viên đến trường quần áo, sách vở lấm lem là chuyện bình thường, thậm chí ngã xe cũng chẳng còn xa lạ nữa. Những ngày mưa to, gió lớn không về được, thầy cô trong trường cùng nhau trú lại nhà tập thể mấy ngày liền chờ bão qua mới về nhà”.

Lòng yêu nghề, yêu học sinh vẫn thôi thúc các thầy cô về với nơi đây, gắn bó nhiều năm với mảnh đất này, coi những em học sinh như những đứa con của mình. Cô Hưng, chia sẻ: “Dạy các em ở đây phải thật kiên trì. Ngoài sử dụng ngôn ngữ và hiểu được tâm lý các em để truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất, thầy cô còn phải thật kiên nhẫn vì đa số các em ở bậc tiểu học còn chưa thạo ngôn ngữ phổ thông. Bù lại, các em ở đây rất ngoan, chăm chỉ và ham học”. Chính vì vậy, dù vượt qua mấy chục cây số, dù đường xá có khó khăn, giáo viên cũng không thể bỏ lớp, bỏ học sinh mình”.

 

Dù cuộc sống còn khó khăn các em vẫn rất ham học. Ảnh: Đoàn Hằng
Dù cuộc sống còn khó khăn các em vẫn rất ham học. Ảnh: Đoàn Hằng

Thầy và trò cùng nhau vượt qua những khó khăn, giúp các em biết đọc, biết viết, xây dựng nền móng ban đầu cho tương lai các em. Giáo viên ở đây không chỉ là thầy cô mà còn như những người mẹ hiền. Thấy áo học trò rách cô Luyến, cô Thảo khâu lại cẩn thận cho các em. Thấy học sinh thiếu vở, cô mua cho em tập viết. Thấy các em lên rẫy quên đến trường các cô đến nhà khuyên bảo, các em học khó tiếp thu, giáo viên tìm nhiều phương pháp dễ hiểu nhất để truyền đạt.

Chính tình yêu thương và của thầy cô đã giúp các em mạnh dạn hơn, gần gũi hơn, biết nghe lời, biết cố gắng học hành. Cô Hưng tâm sự: “Các em rất hiền hòa, dễ mến và rất thương thầy cô. Nhiều khi còn ôm lên tặng cho cô giáo trái bí thật to, giỏ ổi nhà trồng bằng tình cảm hồn nhiên của tuổi học trò. Đó là niềm động viên lớn nhất để chúng tôi cùng cố gắng”.

Theo Báo Gia Lai