Bài 2: Tạo quỹ đất giao ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số

26/02/2014 07:47 AM


Luật Đất đai 2013 xem xét tạo quỹ đất giao ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Chưa có cơ chế giao đất cho cộng đồng.

Luật Đất đai 2013 xem xét tạo quỹ đất giao ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Chưa có cơ chế giao đất cho cộng đồng.

 Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.Ảnh: Lê Văn Nhung
Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lê Văn Nhung

So với Luật Đất đai hiện hành thì Luật Đất đai 2013 có những thay đổi quan trọng. Cụ thể theo khoản 2 Điều 133 quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất theo phương án sử dụng đất được phê duyệt; thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm để tạo quỹ đất giao, cho thuê cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương”.

Quy định này một lần nữa khẳng định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất gắn việc giải quyết đất sử dụng không hiệu quả với việc giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số để tạo quỹ đất giao ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Quy định này giúp cho việc giải quyết những căng thẳng về tình trạng thiếu đất trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tạo cho họ có điều kiện sản xuất, ổn định đời sống, tránh du canh du cư.

Song một điều đang còn bất cập mà lâu nay chúng ta đang thực hiện nhưng chưa thấy nhắc đến trong Luật Đất đai 2013 là cấm chuyển nhượng trong thời hạn 10 năm đối với đất được Nhà nước cấp theo chính sách hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số không thu tiền sử dụng đất nhưng lại đề cập theo khoản mở: “được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ” (Điều 192). Hơn nữa, thực tế những trường hợp này dù đã cấm không chuyển nhượng khi sử dụng trong thời hạn 10 năm nhưng đã “lỡ” chuyển nhượng đất thì có được cấp đất không thu tiền sử dụng đất nữa (lần hai) hay không để hạn chế việc tái diễn chuyển nhượng đất rồi lại đưa ra “yêu sách”.

Mặt khác, trong Luật Đất đai 2013 không thấy đề cập đến cơ chế giao đất cho cộng đồng để giải quyết lâu dài hoặc tức thời vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở cho nông dân, hộ gia đình nghèo. Thực tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai (chẳng hạn huyện Mang Yang) đã có giao đất cho cộng đồng và chỉ thuộc quyền quản lý, sử dụng chung của cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng cũng không được quyền giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở cho nông dân và các hộ gia đình nghèo trên địa bàn.

So với Luật Đất đai 2003 thì Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gần như giống nhau. Một điểm mới đáng lưu ý là trường hợp hộ gia đình, cá nhân muốn thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi UBND huyện quyết định; còn UBND cấp xã được phép cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Theo Báo Gia Lai