Kông Chro: Nông dân được mùa mì

25/02/2014 07:14 AM


Trái ngược với sự ảm đạm của các loại cây trồng khác, đến thời điểm này nông dân trồng mì huyện Kông Chro đang vui mừng vì mì được mùa, được giá…

Trái ngược với sự ảm đạm của các loại cây trồng khác, đến thời điểm này nông dân trồng mì huyện Kông Chro đang vui mừng vì mì được mùa, được giá…

Vào thời điểm này, nông dân huyện Kông Chro đang tất bật bước vào vụ thu hoạch mì trong niềm vui khi cây mì đang được mùa, được giá. Với diện tích gieo trồng hơn 4.800 ha, năng suất bình quân đạt được 25 tấn tươi/ha, tổng sản lượng mì tươi của huyện Kông Chro ước đạt hơn 100 ngàn tấn. Nếu vụ mì trước, không ít nông dân đã chịu thiệt hại vì đầu ra gặp nhiều khó khăn, trong thời gian phơi khô lại gặp mưa, khiến hàng chục tấn mì bị hư hỏng, thì đến thời điểm này, khi đã thu hoạch được hơn 50% diện tích (hơn 2.900 ha) không ít người dân trồng mì của huyện Kông Chro được hưởng một vụ mùa thắng lợi.

 

Ảnh: Hạ Vy
Ảnh: Hạ Vy

Ông Đinh Văn Tư, xã Chơ Long, huyện Kông Chro cho biết: “Vụ mì trước, gia đình tôi thiệt hại hơn 3 tấn mì khô vì gặp mưa kéo dài. Dù thời gian gần đây, thời tiết trên địa bàn huyện có thay đổi, nhưng không xuất hiện mưa nên việc thu hoạch và phơi mì cũng thuận lợi hơn. Với 2 ha, gia đình tôi thu về hơn 52 tấn mì tươi, hiện nay thương lái cũng đã đặt cọc đợi mì khô để tới thu mua…”. Bên cạnh niềm vui không bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, nông dân huyện Kông Chro cũng phấn khởi khi giá mì hiện nay trên thị trường đang ở mức cao. Hiện nay, giá mì khô được tư thương thu mua từ 3.600 đồng/kg đến 3.800 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ các khoản chi phí (12 triệu đồng/ha đến 15 triệu đồng/ha), nông dân trồng mì thu lãi từ 20 triệu đồng/ha đến 25 triệu đồng/ha...

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được mùa, được giá, thời điểm này nhiều nông dân trồng mì trên địa bàn huyện Kông Chro cũng đang gặp khó trong việc thu hoạch. Do đây cũng là thời gian bước vào vụ thu hoạch dưa hấu và một số diện tích mía còn lại, nên việc tìm kiếm nguồn nhân công thu hoạch mì rất khan hiếm và giá thuê nhân công cũng tăng lên khoảng 10% đến 20% (140 ngàn đồng/người/ngày). Bên cạnh đó, hầu hết các thương lái chủ yếu thu mua mì khô để nhập hàng về cảng Quy Nhơn, trong khi Nhà máy Chế biến Tinh bột sắn Gia Lai, cơ sở 2 tại thị xã An Khê chưa bước vào vụ sản xuất, nên để bán được mì thuận lợi, nông dân phải mất thêm chi phí thuê nhân công cho công đoạn chế biến thành mì khô. Bà Phan Thị Lài, xã Yang Trung chia sẻ: “Thực ra, với năng suất và giá cả như vụ mì năm nay, nếu ổn định đến cuối vụ thu hoạch, thì việc mất thêm một phần chi phí cũng đảm bảo cho nông dân trồng mì có lãi. Nhưng nếu giá cả thị trường giảm sút, những nông dân chưa thu hoạch kịp sẽ gặp không ít khó khăn, vì chi phí đầu tư vụ này tăng hơn so với những năm trước…”.

Nếu không có những biến động theo chiều hướng xấu của thị trường trong thời gian tới, thì vụ mì năm nay, nông dân huyện Kông Chro sẽ được hưởng trọn niềm vui khi mì được mùa, được giá. Dù vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Kông Chro cũng đã khuyến cáo đến người dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không tăng thêm diện tích mì trong vụ tới để ổn định thị trường và tránh tình trạng diện tích đất bị bạc màu.

Theo Báo Gia Lai