Thị xã An Khê: Nông dân gặp khó trong sản xuất vụ Đông Xuân
24/02/2014 07:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời tiết diễn biến không thuận lợi, lượng mưa thấp và tình hình thu hoạch một số loại cây trồng chủ lực khá chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân của nông dân tại thị xã An Khê.
Thời tiết diễn biến không thuận lợi, lượng mưa thấp và tình hình thu hoạch một số loại cây trồng chủ lực khá chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân của nông dân tại thị xã An Khê. Tính đến 10-2, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân của thị xã An Khê mới chỉ đạt 2.710/3.930 ha, ước đạt 68,96% kế hoạch. Nguyên nhân vì tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Khó khăn nhất là lượng mưa thấp nên dòng chảy các sông suối giảm mạnh, gây ra tình trạng thiếu nước. Các công trình thủy lợi nhỏ không đảm bảo tưới cho cây trồng, đặc biệt là các loại cây trồng cạn. Bên cạnh đó, thời tiết liên tục có sương mù vào sáng sớm, ngày trời nắng và lạnh về đêm đã tạo điều kiện cho một số sâu bệnh phát triển.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng của bà con nông dân là bởi tiến độ thu hoạch của 2 loại cây trồng chủ lực là mía và mì khá chậm, dẫn đến ảnh hưởng tới việc gieo trồng mùa vụ mới của 2 loại cây này. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, tính đến 10-2, tổng diện tích mía thu hoạch mới chỉ đạt trên 40% diện tích, cá biệt có một số địa phương khu vực lân cận nhà máy như Thành An (còn khoảng 80% diện tích), Xuân An, Tú An… diện tích mía còn lại trên đồng ruộng rất lớn. Nguyên nhân là bởi Nhà máy đường An Khê ưu tiên thu mua mía tại các khu vực xa nhà máy để cạnh tranh thu mua nguyên liệu, các vùng gần và có hợp đồng đầu tư vì nắm chắc “đầu ra” của người trồng mía nên công ty thu mua chậm hơn. Việc thu mua mía chậm của nhà máy làm cho nông dân phải chịu thiệt, nhất là trong tình cảnh giá mía thấp như năm nay. Anh Nguyễn Hồng Hà (thôn 1-xã Thành An), cho biết: “Cả chục năm trồng mía chưa bao giờ giá thấp như năm nay. Đã thế lại để quá lâu ngoài ruộng, làm giảm năng suất. Năm nay trồng mía chẳng có lời”. Nhà anh Hà canh tác 1 ha mía, cách đây ít bữa ráo riết lắm cũng mới chỉ chặt được phân nửa. “Số còn lại chưa biết bao giờ mới chặt. Mình nghèo nên không có tiền đầu tư, ký hợp đồng với người ta nên giờ phải chịu ép vậy đó”- anh Hà, lý giải.
Cũng như tình cảnh của anh Hà, bà Phạm Thị Ba (thôn 1-xã Thành An) cũng nóng ruột bởi kêu hoài mà người ta vẫn chưa chịu tới chặt mía. “Mía để vầy khô hết. Nhà có 6 sào mía, riêng tiền đầu tư đã mất trên chục triệu, không biết thu về có được chừng ấy không?”-bà Ba lo lắng. Việc thu mua mía muộn sẽ làm ảnh hưởng phần nào tới việc canh tác vụ sau, cả những đồng mía lưu gốc cũng như mía trồng mới. Không chỉ người trồng mía thấp thỏm với chuyện thu mía, các hộ trồng cây mì cũng đang mong ngóng trời đổ mưa để bà con thu hoạch mì và gieo trồng vụ tới. Thời tiết mưa ít, đất cứng không thể nhổ mì được. Ước tính, mới chỉ có khoảng 65% diện tích mì được thu hoạch.
Ông Phan Vĩnh Tấn- Phó Phòng Kinh tế thị xã An Khê, cho biết: Trước tình hình khó khăn như hiện nay, phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân địa phương chủ động và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân nhằm đảm bảo kịp kế hoạch, thời vụ. Riêng với tình hình sâu bệnh, ngành chức năng địa phương đã hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, kịp thời nên không ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Về vấn đề thiếu nước tưới, ngoài việc phát huy tối đa năng lực cung cấp nước tưới tại các công trình thủy lợi thì sẽ tăng cường đôn đốc các xã, phường tích cực tiết kiệm nước tưới cho vụ Đông Xuân dự kiến sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng này.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024