Chỉnh chiêng trước mùa hội
21/02/2014 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chuẩn bị cho mùa lễ hội vào “Tháng ba Tây Nguyên”, nghệ nhân chỉnh chiêng Đinh Jram-làng Leng, xã Tơ Tung (huyện Kbang) từ rất sớm đã bắt tay vào công việc khá đặc biệt, chỉnh tiếng cho những bộ chiêng lạc âm.
“Những bộ cồng chiêng nghỉ ngơi quá lâu hoặc sử dụng nhiều quá đều có thể bị lạc tiếng, âm thanh thiếu độ chuẩn xác. Vì thế, trước mùa lễ hội, ngoài việc ủ rượu cần, đan vài chiếc gùi, tấm đựng… những bộ chiêng bị lạc âm cần được sửa tiếng cho chỉn chu, cẩn thận. Đó là phương tiện để làng này thông báo với làng kia, thông báo với Yàng, làng vào lễ hội”-nghệ nhân Đinh Jram giải thích trước khi ông bắt tay vào việc chỉnh bộ chiêng cho một gia đình trong làng. Ông cẩn trọng đặt chiếc túi thổ cẩm sặc sỡ xuống sàn nhà rông, chậm rãi đặt từng dụng cụ chỉnh chiêng xuống chiếc chiếu: một chiếc búa bằng đồng (Mút u chiêng), hai chiếc dùi bọc vải sặc sỡ trên đầu tựa như dùi trống (Tnôn chiêng). Sực nhớ ra điều gì, ông ra phía sau nhà rông đốn một cây Aden, chặt thành từng khúc ngắn bằng gang tay, để xuống cùng những dụng cụ được ông đối xử một cách nâng niu. Săm soi kỹ càng từng chiếc chiêng bày trước mặt, ông nói nhỏ: “Chiêng này nghỉ ngơi lâu quá rồi, sẽ khó đây”. Bộ chiêng 13 chiếc của gia đình mí Jứk mang đến nhà rông từ sáng sớm chờ nghệ nhân của làng tới sửa giúp. Bà nói khẽ vào tai tôi, ngượng ngùng: “Bộ chiêng này mình cất trong nhà lâu lắc rồi, chắc nó (chỉ nghệ nhân Đinh Jram-P.V) không thích đâu”. Bà kín đáo quan sát nhất cử nhất động của người nghệ nhân. Khi thấy ông cầm chiếc chiêng nhỏ nhất trong dàn chiêng lên gõ tiếng đầu tiên, bà mới thở phào và tiếp tục công việc dang dở bên một khung dệt.
Ngay vài phát búa đầu tiên vào chiếc chiêng nhỏ không có núm, nghệ nhân Đinh Jram nhăn trán thốt lên: “Chu cha, chiếc này bể rồi, không chỉnh được. Nếu gõ mạnh nó sẽ hư và chủ chiêng không hài lòng”. Thực ra, chiếc chiêng chỉ bị một lỗ nhỏ. Ngoài những chiếc có núm lên nước đồng sáng bóng, những chiếc nhỏ đã xỉn màu, sắc đồng bắt đầu ngả sang xanh. Ông giải thích: “Chỉ cần một chiếc chiêng bị lạc tiếng đã làm thang âm thanh của cả bộ chiêng lạc điệu. Tiếng chiêng cũng không vang xa tới làng khác được. Còn bộ này để lâu quá, chiếc nào cũng lạc tiếng hết rồi”. Ông tạm đặt chiếc chiêng sang một bên và tiếp tục với một chiếc chiêng có núm. Ông đánh thử một nhịp, rồi nghiêng tai lắng nghe để “chẩn bệnh” cho chiếc chiêng. Cầm chiếc búa nhỏ bằng đồng, ông gõ xung quanh chiêng, chỗ mạnh, chỗ nhẹ tay. Mỗi nhát búa phát ra tiếng vang rền khuấy động không gian yên tĩnh của buổi sớm mai vắng người. Ông tiếp tục lấy chiếc dùi bọc vải gõ vào núm chiêng những tiếng trầm đục. Cuối cùng, nghệ nhân lấy một đoạn cây Aden gõ vào chiêng để thử âm. Ông nghiêng tai lắng nghe, rồi lại gõ, rồi lắng nghe. Đến khi những nếp nhăn trên mặt giãn ra hài lòng, ông mới đặt chiêng sang một bên, khẽ thở phào. Già làng Đinh Jep có mặt từ khi nào chẳng rõ. Ông chăm chú theo dõi công việc của nghệ nhân. Thỉnh thoảng, họ lại trao đổi chuyện trò. Già làng cầm lên một chiếc chiêng đã được sửa lành tiếng, đáp lại Đinh Jram mỗi khi ông đánh một nhịp chiêng. Già làng cho hay: “Âm thanh cồng chiêng nếu nghe đơn độc từ một chiếc thì không chính xác đâu. Muốn biết âm chiêng đã chuẩn chưa, phải so sánh với một tiếng chiêng khác. Mình ra giúp nó thôi, chỉnh bộ chiêng này tốn thời gian quá”. Mặt trời đã đứng bóng, nhưng nghệ nhân Đinh Jram vẫn chưa xong việc với chiếc chiêng cuối cùng. Đó là chiếc chiêng đại có núm, đường kính hơn một sải tay đàn ông. Vị già làng cẩn thận cầm sợi thừng giúp Đinh Jram treo chiếc chiêng lên thanh gỗ bắc ngang nhà rông. Nghệ nhân Đinh Jram thốt lên hai từ “chu cha” sau khi thăm dò âm thanh của chiếc chiêng lớn nhất của bộ chiêng. Sự không hài lòng hiện rõ khi ông gõ đi gõ lại nhiều lần nhưng tiếng của chiếc chiêng đại vẫn lạc điệu với âm thanh đối đáp của già làng. Ông cầm chiếc búa con, tiếp tục gõ sang phải, sang trái, gõ vào chính giữa. Tay cầm búa đã nổi cơ, quai hàm ông bạnh ra căng thẳng. Ông nắm tay đấm vào núm chiêng rồi nghiêng tai nghe tiếng âm u rất khẽ. Vẫn không được. Ông thở dài: “Chiếc này khó quá”. Nghỉ tay chốc lát, ông lại tiếp tục từ đầu việc gõ những tiếng trầm, tiếng đục vào chiếc chiêng đại bướng bỉnh. Khi âm thanh rền vang của chiếc chiêng đại ngân nga theo gió, tan loãng vào không gian mênh mông, nét mặt của hai người đàn ông mới giãn ra. Hẳn già làng và nghệ nhân là những người có chung hằng số thẩm âm, cảm nhận tinh tế và từng trải, chỉn chu mà khoáng đạt nên suốt cả buổi sáng, ngoài những trao đổi bằng lời, nhiều khi họ chỉ trao đổi trong im lặng, nhìn nhau, gật đầu. Có khi người này hài lòng mà người nọ vẫn chưa, vậy là họ lại cùng nhau bắt đầu làm lại. Công việc của nghệ nhân hẳn cũng bớt nhọc nhằn khi có thêm đôi tai thẩm âm am tường, chính xác của già làng. Nhìn những chiếc chiêng chồng vào nhau ngay ngắn, rồi nhìn ra khoảng nắng vàng như cánh bướm tháng ba trước nhà rông, bất giác nghệ nhân lẩm bẩm: Mùa lễ hội đang tới gần!
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024