Nỗi lo "5 trong 1"

19/02/2014 07:09 AM


Sau một thời gian đình chỉ, Bộ Y tế đã cho triển khai tiêm lại vắc xin Quinvaxem vào tháng 10-2013 vừa qua. Tại Gia Lai, vì nhiều lý do nên việc tiêm lại vắc xin Quinvaxem (gọi tắt là “5 trong 1”- ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi) được triển khai sau đó một tháng (vào tháng 11-2013).

Sau một thời gian đình chỉ, Bộ Y tế đã cho triển khai tiêm lại vắc xin Quinvaxem vào tháng 10-2013 vừa qua. Tại Gia Lai, vì nhiều lý do nên việc tiêm lại vắc xin Quinvaxem (gọi tắt là “5 trong 1”- ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi) được triển khai sau đó một tháng (vào tháng 11-2013). Mặc dù chưa ghi nhận ca tai biến nào liên quan đến vắc xin “5 trong 1” trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhưng nhiều phụ huynh hết sức e dè…

So với mọi năm, năm nay tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 84% (năm 2012 đạt 97%) do ảnh hưởng của việc tạm dừng tiêm vắc xin “5 trong 1”. Sau khi được Bộ Y tế cho triển khai tiêm lại vắc xin này, tiếp tục có tai biến khiến một trẻ gần 3 tháng tuổi tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) tử vong làm cho nhiều phụ huynh thêm lo lắng.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Tại Gia Lai, dù thời gian qua chưa có ca tai biến nào liên quan đến vắc xin “5 trong 1” và công tác triển khai và giám sát quy trình tiêm chủng được tổ chức chặt chẽ nhưng do lo lắng nên nhiều phụ huynh không cho con đến tiêm chủng hoặc có điều kiện thì tiêm dịch vụ vắc xin ‘6 trong 1”. Một số khác thì chần chừ trong việc đưa con đến các điểm tiêm chủng với tâm lý chờ xem tình hình rồi tính. Hậu quả là nhiều trẻ hơn 7, 8 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin “5 trong 1” hoặc đã tiêm mũi đầu nhưng chưa được tiêm nhắc lại các mũi tiếp theo…

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, về nguyên tắc khi tiêm chủng đúng lịch và đủ liều thì hiệu quả của việc phòng bệnh cho trẻ là cao nhất. Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin Quinvaxem là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu khoảng thời gian giữa các liều bị chậm vượt quá khoảng thời gian theo lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mũi tiêm tiếp theo mà không cần tiêm lại từ mũi đầu. Nếu liều đầu tiên bị muộn hơn so với lịch tiêm chủng vẫn phải duy trì đúng liều lượng và đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm theo lịch tiêm chủng là 4 tuần (1 tháng). Như vậy khi tiêm trễ thì hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cho việc phòng bệnh cho trẻ.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Xung quanh về việc tiêm lại vắc xin Quinvaxem trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Huy Dương-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Vắc xin 5-1, nhập khẩu sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng  của Việt Nam hiện nay là vắc xin phối hợp gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib do tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng GAVI tài trợ. Những vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam lại được kiểm định tại Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (cơ quan được Bộ Y tế giao nhiệm vụ kiểm định về vắc xin và sinh phẩm y tế) và Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Như vậy có nghĩa là những vắc xin nhập ngoại sử dụng ở Việt Nam đã được WHO kiểm định khuyến cáo sử dụng, Việt Nam kiểm định và cho phép sử dụng ở Việt Nam thì mới dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại Gia Lai, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đã lập danh sách tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh (kể cả các điểm tiêm chủng dịch vụ) và đã tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng đều đạt yêu cầu để tổ chức tiêm chủng an toàn, mới tổ chức tiêm chủng”.

Theo bác sĩ Dương, nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng, trước khi tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng; trong khi tiêm chủng, giữ trẻ đúng tư thế và tuân theo hướng dẫn của cán bộ y tế và sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: Toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm... Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc...

Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao (trên 39 độ), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở; tím tái, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Theo Báo Gia Lai