Phát triển cao su vùng biên giới Việt Nam-Campuchia: Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị
12/02/2014 07:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su sang Campuchia của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cuối năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã tiến hành thành lập Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri để làm “bàn đạp” cho việc đầu tư, xây dựng và phát triển cây cao su sang vùng biên giới Campuchia.
Sau gần 5 năm đầu tư dự án trồng cao su trên vùng biên giới Việt Nam-Rattanakiri (Campuchia) đã có những bước phát triển vững vàng. Điều đặc biệt hơn nữa là đơn vị tự hào với việc phát triển dự án cao su sớm nhất so với các đơn vị trồng cao su ở Tây Nguyên sang Campuchia. Ông Trần Xuân Thịnh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri, cho biết: Gần 5 năm, Công ty đã định hình được vườn cây với diện tích 6.520 ha, theo Quyết định của Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia cho Công ty thuê đất theo hình thức tô nhượng trong thời gian 70 năm, với tổng diện tích là 6.891 ha. Dự án đầu tư trồng cao su của Công ty thuộc huyện Vaen Say, tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Khu vực Công ty triển khai dự án có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khá phù hợp với việc trồng cao su. Nhờ đó, cây cao su phát triển và sinh trưởng rất tốt. Tuy nhiên, những năm đầu triển khai dự án, công ty đã gặp không ít khó khăn. Đó là thiếu nguồn lao động, vì Rattanakiri là tỉnh biên giới mật độ dân cư thưa thớt, trong khi tỉnh này lại có nhiều dự án trồng cao su của các doanh nghiệp cũng như dự án của người dân Campuchia, do vậy cái khó lại chồng khó. Để khắc phục nguồn lao động, vào mùa cao điểm trồng mới, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang và Công ty TNHH một thành viên Chư Mo Ray (Kon Tum) phải tăng cường nguồn lao động sang hỗ trợ. Cái khó thứ hai là công tác vận chuyển cung cấp vật tư, cây giống, phân bón, hàng hóa… vì địa bàn xa nơi trồng (hơn 150 km) mà Campuchia lại không có. Song với sự quan tâm của công ty mẹ, cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của Ban Lãnh đạo Công ty thường xuyên chỉ đạo sát sao; sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương và hơn hết là sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong vùng triển khai dự án, nhờ vậy, công ty đã hoàn thành dự án trước kế hoạch. Dạo một vòng vườn cây kiến thiết cơ bản của công ty, chúng tôi thấy những chồi non xanh của cao su mà trong lòng khấp khởi niềm vui. Rồi đây, những diện tích cao su này sẽ là cơ sở để giúp người dân đổi đời. Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thì diện tích vườn cây cao su của công ty phát triển khá đồng đều, sẽ chẳng còn bao lâu nữa những giọt vàng-trắng nhả vàng. “Từ năm 2014 trở đi, công ty chúng tôi sẽ kết thúc việc trồng mới, chuyển sang việc chăm sóc vườn cây, xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho việc cạo mủ, phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng dự án”-ông Trần Xuân Thịnh cho biết thêm. Còn khi chúng tôi trao đổi với những cán bộ, công nhân viên có mặt từ những ngày đầu tham gia dự án, họ cho biết là ngoảnh lại mới thấy, chỉ mấy năm thôi từ vùng đất hoang hóa, cỏ cây xác xơ, khi có bàn tay của con người đất lại trở nên màu mỡ, phì nhiêu và có giá đến vậy. Hiện công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động Campuchia và trên 90 người Việt Nam được tuyển dụng vào làm cán bộ tại các tổ, đội, nông trường, công ty, với mức thu nhập bình quân đạt trên 200 USD/người/tháng; công ty còn xây dựng được 8.400 m2 nhà ở cho công nhân; làm đường giao thông cấp phối phục vụ dân sinh và cụm khu dân cư; khoan 30 giếng nước sinh hoạt tại các điểm dân cư; xây dựng trung tâm y tế với đầy đủ cơ bản các trang-thiết bị, thuốc và bố trí bác sĩ khám và điều trị miễn phí, kịp thời cho công nhân và nhân dân trên địa bàn.
Ngoài việc đảm bảo phát triển tốt cao su theo chương trình phát triển 100.000 ha cao su của Tập đoàn tại Campuchia, công ty còn xác định trách nhiệm và cam kết chăm lo đời sống người lao động, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp tỉnh bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và các tỉnh vùng biên giới Gia Lai, Rattanakiri. Do đó, công ty đã xây dựng thư viện, phòng họp cho trường cấp III tỉnh Rattanakiri, với tổng số tiền 57.000 USD, ủng hộ quỹ chữ thập đỏ, mặt trận giải phóng dân tộc, hỗ trợ các sở, ban, ngành xây dựng, sửa chữa cơ quan, văn phòng làm việc, trụ sở xã, hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho đồng bào nghèo nhân dịp các ngày lễ của dân tộc Campuchia. Để tiếp tục ổn định đời sống, công ty định hình thêm 3 khu dân cư mới ở 3 nông trường, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng, nhằm thu hút nguồn lao động tại chỗ để công ty chuẩn bị đưa vào khai thác mủ trong năm 2017. Cùng với đó, trong chương trình hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế, năm 2013, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su ở Oyadao, công suất 5.000 tấn/năm, gồm 2 dây chuyền chế biến mủ RSS và SVR 10, SVR 20, tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD. Việc nhà máy chế biến mủ ra đời, cũng là nơi thu mua mủ và chế biến hỗ trợ cho hơn 30.000 ha cao su tiểu điền tại tỉnh Rattanakiri. Dự kiến nhà máy chế biến mủ cao su của công ty sẽ đưa vào hoạt động quý II-2014. Để phát triển lâu dài, công ty đã xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể theo đúng pháp luật 2 nước và thành lập Tổ chức Công đoàn độc lập công nhân Campuchia với hơn 200 đoàn viên người Campuchia. Ngài Ym Chhay Ly-Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và Phát triển Nông nghiệp nông thôn Campuchia mới đây đến thăm vườn cây và những dự án an sinh xã hội mà công ty đã đầu tư, xây dựng, vui mừng khẳng định: Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri thực hiện rất tốt và đạt hiệu quả dự án. Không những về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội lớn lao. Điều này góp phần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024