Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh năm 2014: Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

11/02/2014 02:15 PM


Đó là một trong những giải pháp quan trọng được Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà năm 2014 diễn ra gần đây. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp khác, tin rằng nền kinh tế tỉnh nhà sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên mạnh mẽ.

Đó là một trong những giải pháp quan trọng được Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà năm 2014 diễn ra gần đây. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp khác, tin rằng nền kinh tế tỉnh nhà sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên mạnh mẽ.
 

  Doanh nghiệp khai thác đá Anh Khoa (Khu Công nghiệp Trà Đa). Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp khai thác đá Anh Khoa (Khu Công nghiệp Trà Đa). Ảnh: Hà Duy

Tích cực phát huy các lợi thế sẵn có của từng ngành, từng vùng; nâng cao chất lượng các quy hoạch lĩnh vực và liên kết vùng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và huy động đóng góp của cộng đồng xã hội... là những giải pháp lớn để tiến tới mục đích này. Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà năm 2014, đề xuất những giải pháp cụ thể hơn, ông Trần Thế Vinh-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nên tăng cường hơn nữa công tác quản lý đầu tư, trong đó, phải sát sao theo dõi tình hình triển khai vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm tra các nhà thầu thi công công trình theo tiến độ vốn được giao, không để nợ đọng. Riêng trách nhiệm của Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra tiến độ và khối lượng giải ngân để kịp tham mưu cho UBND tỉnh.

Cũng với công tác quản lý đầu tư, nhiều ý kiến đồng tình rằng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư từ khâu thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến thi công công trình để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm. Đồng thời kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đối với các dự án chậm triển khai, triển khai không hiệu quả hoặc phân bổ vốn không đúng đối tượng. Hơn lúc nào hết các chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện dự án và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nâng cao hiệu quả đầu tư công trong phân bổ vốn đầu tư, quản lý đầu tư và lập danh mục các dự án đầu tư năm 2015 ngay trong quý I năm 2014. Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2015 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn về nguồn lực đầu tư của Nhà nước, bởi vậy việc đầu tư cũng chỉ tập trung vào các công trình trọng điểm, cấp bách, phát triển kết cấu hạ tầng.

 

Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương

Một đại diện lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc quản lý quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy phải tiếp tục triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các mặt gắn với hiện đại hóa công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin về diễn biến tình hình kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phân khai chi tiết các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.

Tuy nhiên, giải pháp mang tính đột phá chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2013 được coi là năm trì trệ nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi chỉ trong 10 tháng đầu năm có tới trên 100 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động mang tính cầm chừng. Nguyên nhân lớn nhất được xác định là do khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, hàng tồn kho nhiều, thị trường ngưng trệ. Bởi vậy, tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh được coi là động thái quan trọng nhất để góp phần cho nền kinh tế chuyển mình. Trước tiên, cần duy trì hoạt động đối thoại, gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

 

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với tư cách là đơn vị “đầu mối”, Sở sẽ triển khai nhiều chương trình trợ giúp pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2014, sẽ tổ chức 2 khóa đào tạo về Khởi sự doanh nghiệp và 3 khóa đào tạo về Quản trị doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, Luật Doanh nghiệp đi vào thực tiễn đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp ra đời. Theo đó, không ít doanh nghiệp “ma” cũng xuất hiện gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi vậy, việc tăng cường công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh là điều vô cùng cần thiết để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa đơn gian lận thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Báo Gia Lai