"Vòng xoang mừng Xuân"

25/01/2014 07:29 AM


Đó là chủ đề của Hội thi do Trường THCS Nay Der (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều đơn vị trường học trên địa bàn xã. Đặc biệt, sân chơi này đã được thầy và trò nhà trường duy trì trong suốt 4 năm học qua.

Đó là chủ đề của Hội thi do Trường THCS Nay Der (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều đơn vị trường học trên địa bàn xã. Đặc biệt, sân chơi này đã được thầy và trò nhà trường duy trì trong suốt 4 năm học qua.

Diễn trong những ngày rộn ràng chuẩn bị chào đón năm mới Giáp Ngọ 2014, Hội thi không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà đã thu hút cả các trường bạn cùng thanh niên trên địa bàn xã. Tiếng chiêng ngân lên như báo hiệu, nơi đây, không khí mùa xuân, mùa vui tươi, mùa no đủ đã tràn ngập. Hòa với tiếng cồng chiêng trầm vang lan tỏa là những điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng cùng hàng trăm khuôn mặt rạng ngời tươi trẻ. Cả sân trường phút chốc biến thành một bức tranh sống động, đầy màu sắc với màu chủ đạo của trang phục truyền thống Jrai.

 

Ảnh: Lam Nguyên
Ảnh: Lam Nguyên

Em Ksor H’Chinh-học sinh Trường THCS Nay Der, vui vẻ bày tỏ: “Em tham gia đều đặn các Hội thi do trường tổ chức. Được khoác trên mình chiếc áo truyền thống, được nghe tiếng chiêng đã khơi dậy trong em bản sắc người Jrai...”. Chưa hết chuếnh choáng với vòng xoang và men rượu cần, cô giáo Rmah H’Muan-Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, xã Chư Mố, tươi cười nói: “Tôi rất thích cồng chiêng, mỗi khi nghe tiếng chiêng là lòng tôi lại cảm thấy muốn tham gia ngay. Đây là một sân chơi bổ ích, tôi nghĩ cần phát huy hơn nữa để mọi người cùng tham gia”. Còn với cô giáo Rơh Ngam-Trường THCS Nay Der thì: “Sân chơi này đã truyền ngọn lửa về tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc”. Kết thúc Hội thi, có 3 đội xoang giành giải nhất là đội xoang lớp 7A, lớp 9 (Trường THCS Nay Der) và đội xoang Trường Mẫu giáo Vành Khuyên. Nhưng có lẽ, với một hội thi như thế và với cả những người tham dự thì giải thưởng không còn là điều quá quan trọng. Quan trọng nhất là họ đã được sống trong một không khí lễ hội thật sự sôi nổi, vui tươi mang màu sắc văn hóa của chính dân tộc mình.

Để đứng ra tổ chức được một hoạt động như trên không phải là chuyện dễ, nhất là với một trường vùng sâu, kinh phí tổ chức hạn hẹp. Vì thế, để hội thi diễn ra thật sự thu hút, trước đó nhà trường tổ chức cho học sinh tập luyện vào tất cả các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ và 2 buổi chiều trong tuần; giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tổ chức tập luyện cho học sinh lớp mình. Về kinh phí tổ chức trên dưới 10 triệu đồng, trường đã được UBND xã “ưu ái” hỗ trợ 5 triệu đồng, số còn lại do nhà trường và Công đoàn trường trích từ kinh phí hoạt động hàng năm và một phần xã hội hóa.

 

Ảnh: Lam Nguyên
Ảnh: Lam Nguyên

Là người trực tiếp khởi xướng hội thi múa xoang ở ngôi trường này, thầy Võ Trí Hoàn-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Cồng chiêng và nhảy xoang đã gắn bó với người Tây Nguyên từ bao đời nay, từ lúc con người vừa sinh ra cho đến lúc mất đi, gắn bó vào đời sống tinh thần của người Tây Nguyên trong cuộc sống hàng ngày, trong các dịp lễ hội, làm nên nét đặc sắc riêng của văn hóa Tây Nguyên. Những thời gian gần đây tiếng chiêng và nhảy xoang trên địa bàn xã Chư Mố cứ thưa dần và có lúc gần như vắng bóng. Nếu quên đi, nếu để mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, có thể xem như quên cội nguồn, đánh mất đi nét văn hóa riêng đã có từ bao đời nay”. Với tinh thần nghìn lời nói hay chẳng bằng một việc làm tốt, được sự cổ vũ ủng hộ của chính quyền xã và Đoàn xã Chư Mố, nhà trường đã quyết tâm tổ chức và duy trì hoạt động bổ ích này. Qua 4 lần tổ chức, Hội thi “Vòng xoang mừng xuân” của thầy và trò Trường THCS Nay Der ngày càng có sức hút hơn. Nhờ đó, ngoài ý nghĩa nêu trên, Hội thi còn là dịp giao lưu giữa Trường THCS Nay Der với các trường bạn và Đoàn Thanh niên xã Chư Mố, đồng thời cũng là một hoạt động ý nghĩa trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Vì vậy, những ngày đầu năm mới 2014 này, thầy Võ Trí Hoàn-người thầy giáo đầy tâm huyết với văn hóa truyền thống Jrai chỉ tâm niệm một điều: “Tôi mong rằng hội thi truyền thống hàng năm của Trường THCS Nay Der sẽ được phát triển mở rộng thành một hội thi truyền thống hàng năm của xã Chư Mố…”.

 

Theo Báo Gia Lai