Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm vùng xa trung tâm

24/01/2014 01:32 PM


Sau đợt thanh-kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 tiếp tục phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành các huyện kiểm tra thêm một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sau đợt thanh-kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 tiếp tục phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành các huyện kiểm tra thêm một số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, đợt này đoàn còn chú trọng thanh-kiểm tra tại các cơ sở thường kinh doanh bán sỉ và lẻ các loại thực phẩm có mối nguy mất an toàn thực phẩm cao, tập trung đông người mua tại các vùng xa trung tâm, vùng biên giới.

Nhiều sản phẩm vi phạm hai không

 

Kiểm tra chất lượng thực phẩm. Ảnh: Minh Triều
Kiểm tra chất lượng thực phẩm. Ảnh: Minh Triều

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ), qua kiểm tra tại cơ sở kinh doanh tạp hóa của bà Lao Ngọc Anh ở thôn cửa khẩu, xã Ia Dom, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và huyện đã phát hiện 105 hộp kem nhãn hiệu Hòa Bình (loại 100g) không có ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, số sản phẩm này đã được đoàn tổ chức tiêu hủy tại chỗ. Đồng thời, đoàn đã tiến hành nhắc nhở cơ sở này hoàn tất các thủ tục như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe (đã hết thời hạn)… Sau khi tuyên truyền về giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, đoàn cũng yêu cầu cơ sở này kinh doanh hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hóa đơn chứng từ hợp lệ, hàng hóa phải kê cách mặt đất 20 cm…; nếu cơ sở tiếp tục vi phạm những lỗi đã được nhắc nhở, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.

Đáng chú ý là khi kiểm tra Cửa hàng tự chọn Nam Luyến (số 48 Phan Đình Phùng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), đoàn đã phát hiện hơn 25 kg sản phẩm bánh tráng trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, buộc phải tiêu hủy tại chỗ. Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác như trà cung đình Huế nhãn hiệu Đức Phương đã hết thời hạn sử dụng ghi trên bao bì; sữa Vinamilk không được bảo quản đúng theo điều kiện yêu cầu của nhà sản xuất; một số sản phẩm bánh ngọt, kẹo dừa, dừa giòn hết hạn sử dụng hoặc có hạn sử dụng nhưng không ghi ngày sản xuất… Ngoài ra, cơ sở kinh doanh này còn không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe của người tham gia bán hàng, giấy tập huấn… Đoàn đã nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với cơ sở Nam Luyến với số tiền 4 triệu đồng.  

Ông Rơmah Bưu-Trưởng phòng Y tế huyện Đức Cơ-cho biết: Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã tổ chức kiểm tra giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng, hàng hóa không nhãn mác hạn sử dụng đối với 9 cơ sở sản xuất kinh doanh ở một số xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, theo ông Bưu, điều đáng mừng là năm nay Đoàn kiểm tra liên ngành huyện không phát hiện hàng hóa, sản phẩm trôi nổi xuất xứ từ Trung Quốc ở những cơ sở này, hoặc có nhưng rất ít, nhất là các sản phẩm như thức ăn nhanh, đồ uống, bánh mứt… “Trong thời gian tới, đoàn sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh ở địa bàn thị trấn Chư Ty, nơi tập trung nhiều nguồn hàng của huyện. Những đợt kiểm tra này chủ yếu là tuyên truyền, chấn chỉnh chứ chưa chú trọng đến việc xử phạt”-ông Bưu chia sẻ.

Xử phạt 18 cơ sở vi phạm

 

Tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Triều
Tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Minh Triều

Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh-cho biết: Trong tổng số 35 cơ sở được thanh-kiểm tra từ đầu năm 2014 đến nay, chỉ có 17 cơ sở đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 48,6%; 18 cơ sở vi phạm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chiếm 51,4%. Trong đó, 12 cơ sở vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 11 cơ sở vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; 2 cơ sở vi phạm về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, không thực hiện khám sức khỏe cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; 2 cơ sở vi phạm quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở  vi phạm là 20 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Đang cho biết thêm: Đoàn thanh-kiểm tra liên ngành tỉnh cũng đã thu hồi và tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm là 253,2 kg bánh, kẹo, mứt các loại; đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục các kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, phổ biến các văn bản pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh và người trực tiếp sản xuất trong việc hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn trong dịp Tết đến Xuân về. Bên cạnh đó, để tăng cường tính răn đe đối với cơ sở vi phạm, ông Đang đề xuất: “Cần đẩy mạnh công tác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, phê bình đối với các cơ sở vi phạm, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định của pháp luật”.

 

Theo Báo Gia Lai