Dong rừng vào mùa Tết
20/01/2014 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những chiếc xe máy cũ kỹ chở lá dong hối hả ngược rừng ra phố, tạo nên hình ảnh sống động trên cung đường Trường Sơn Đông rộng thênh thang, nhắc nhớ Tết đã cận kề…
Những chiếc xe máy cũ kỹ chở lá dong hối hả ngược rừng ra phố, tạo nên hình ảnh sống động trên cung đường Trường Sơn Đông rộng thênh thang, nhắc nhớ Tết đã cận kề… Giữa trưa nhưng mặt trời vẫn trốn biệt. Rừng núi dọc đường Trường Sơn Đông chìm trong sương mây. Cái lạnh thấu xương miền sơn cước khiến người ta muốn trốn chạy thật nhanh. Trên cung đường rộng thênh, một người phụ nữ với xe lá dong trĩu nặng đứng nghỉ giữa đường. Hỏi mãi chị mới nói tên là Trần Thị Hồng, ở xã Cửu An (thị xã An Khê) vào vùng rừng núi ở xã Sơn Lang (huyện Kbang) cắt lá dong rừng bán kiếm tiền tiêu Tết. “Khổ quá nên mới phải ngược rừng tìm lá dong mùa này. Vợ chồng tui đi 3 ngày nay mới được một xe lá”-chị cho biết.
Dong rừng mùa Tết Trên chiếc xe cà tàng của chị Hồng, bốn thiên (ngàn) lá dong được chất đều trên 2 sọt. Chị Hồng nói, trong mỗi thiên có 10 bó nhỏ. Ba ngày công lao động cật lực của hai vợ chồng trong rừng sâu mới cắt được chừng ấy lá dong. Trông chờ vào số tiền kiếm được từ mùa lá dong rừng, chị nhanh chóng quy thành tiền: “Nếu năm nay lá dong được giá, bốn thiên này tui bán được khoảng 800 ngàn đồng”. Tuy vậy, để kiếm được số tiền ít ỏi này, những người hái lá trải qua không ít gian truân. “Rất nhiều hiểm nguy rình rập chốn rừng thiêng không ai biết trước được, vì vậy chúng tôi thường phải đi theo nhóm từ 10 đến 20 người để còn hỗ trợ nhau nếu gặp sự cố”-chị Hồng cho biết. Những người “săn” lá dong phải để xe ngoài bìa rừng để cuốc bộ vào sâu bên trong mới có thể tìm được những bãi lá dong lớn. Một người đi cùng đoàn chị Hồng, cho hay: “Lúc đi có khi nửa ngày mới tìm được một đám lá chưa có người đụng tới. Lúc về vác được một thiên lá từ sâu trong rừng ra đến chỗ để xe, mệt ăn cơm không nổi”. Những người Bahnar ở các làng của xã Sơn Lang, Đak Krong (huyện Kbang) cũng góp phần đưa lá dong từ rừng về phố phục vụ Tết. Thông thuộc rừng, người bản địa không cần đi theo tốp như những người ở phương xa tới. Tuy nhiên, họ có chung nỗi nhọc nhằn để tìm được “lộc rừng” mang về. Già Đinh Jăm (làng Điện Biên, xã Sơn Lang) kể: “Dong rừng thường mọc từng chòm bên bờ suối hay những vùng đầm lầy, phải men theo những nơi ẩm ướt, sình lầy mới tìm được. Năm nay trời lạnh hơn mọi năm, vào rừng hái lá khổ quá. Ẩm ướt nên vắt nhiều lắm, nó cắn mình nhiều vô kể”. Già Jam nói rằng, phải mất nhiều mùa lá dong, những người Bahnar mới biết cách cắt lá dong để bán không mất giá. “Gặp đám lá tốt đừng ham mà cắt nhanh, cắt vội, lá rách hết bán không ai mua”-già Jam nói. Theo ông, người cắt lá cần một con dao bén ngọt, cắt nhanh nhưng phải khéo. Cũng không thể cắt phăng phăng mà phải chọn những lá không non quá, cũng không già quá, sau đó buộc thành từng bó, lấy lá giềng rừng bọc ra bên ngoài để giữ lá dong không bị rách, bị héo.
Ngược rừng xuống phố Theo nhiều thương lái, vùng rừng ở Sơn Lang là nơi có nhiều dong rừng nhất. Vì thế, họ chọn đây làm nơi “tập kết” trước khi đưa dong rừng xuống phố. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng-một thương lái ở An Khê cứ mỗi mùa Tết, thường phải lặn lội vào Sơn Lang, Đak Krong, đi từng làng để mua lá dong. Anh Hùng chia sẻ: “Có rất nhiều thương lái tìm mua dong rừng đưa đi các thành phố lớn. Vì thế, từ đầu tháng Chạp Âm lịch, vợ chồng tôi đã phải vào đây để thu gom lá. Năm nay tôi mua được khoảng 150 thiên, cũng tạm đủ để đánh xe đưa dong rừng xuống phố”. Anh Hùng tiết lộ, mỗi thiên lá dong mua tận gốc có giá 150-200 ngàn đồng, đưa xuống phố bán được khoảng 300-400 ngàn đồng/thiên. Tuy nhiên chi phí cho mỗi thiên lá cũng không hề nhỏ. Anh nhận xét: “Thương lái rất thích lá dong của vùng Sơn Lang, Đak Krong bởi lá xanh, to. Gói bánh chưng từ những chiếc lá dong vùng rừng này, chiếc bánh dường như xanh hơn, thơm hơn”. Hì hụi buộc lại từng thiên lá dong vừa mua được của những người đi rừng, anh Trần Văn Tú-một thương lái ở làng Điện Biên, cho hay: “Đây là năm đầu tiên tôi mua lá dong để đưa về phố. Chưa biết năm nay giá cả thế nào, mới chỉ dám mua khoảng 50 thiên lá đánh chuyến hàng đầu tiên”. Tết đã cận kề, và từng chuyến lá dong ngược rừng xuống phố khiến ngày cuối năm càng thêm hối hả. Đó là cuộc mưu sinh, nhưng trên hết, hình ảnh những bó lá dong xuôi ngược trên đường khiến con người phấn chấn, bâng khuâng...
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024