Người đưa lúa nước về Krong

16/01/2014 01:06 PM


Ở xã Krong (huyện Kbang), già làng Đinh Hyum luôn được mọi người biết đến là một tấm gương tiêu biểu, trụ cột vững chắc về tinh thần của người dân. Không những thế, ông còn là người đầu tiên đưa cây lúa nước về vùng đất một thời là căn cứ cách mạng của Gia Lai.

Ở xã Krong (huyện Kbang), già làng Đinh Hyum luôn được mọi người biết đến là một tấm gương tiêu biểu, trụ cột vững chắc về tinh thần của người dân. Không những thế, ông còn là người đầu tiên đưa cây lúa nước về vùng đất một thời là căn cứ cách mạng của Gia Lai.

Gian nan hành trình cây lúa nước về làng

Chúng tôi tìm đến nhà già Hyum vào một buổi chiều đã muộn nhưng ông vẫn chưa về nhà. Hỏi ra mới biết ông đang còn làm cỏ lúa ngoài đồng. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa nước của làng, anh Đinh Gương cho biết: “Ông Đinh Hyum trồng lúa nước giỏi nhất làng Đak Trâu đấy. Ông cũng hay truyền kinh nghiệm trồng lúa nước cho người làng nên rất được mọi người kính nể, hễ ông nói gì ai cũng nghe theo”.  
 

Ông Hyum bên cánh đồng lúa đang thời kỳ làm đòng của gia đình. Ảnh: H.T
Ông Hyum bên cánh đồng lúa đang thời kỳ làm đòng của gia đình. Ảnh: H.T

Trải qua 76 mùa rẫy, ông Hyum đã có hơn 30 năm gắn bó với cây lúa nước và cũng gần chừng ấy năm cây lúa nước được xem là một trong những cây trồng chính của dân làng. Nhờ có cây lúa nước mà cuộc sống của họ bao năm qua luôn đủ đầy, no ấm. Ông nhớ lại: “Khi chỉ trồng lúa rẫy thì năm nào làng mình cũng đói giáp hạt, phải lên rừng kiếm măng và lá mì về ăn. Vậy mà giờ đây, mùa giáp hạt đã không còn là nỗi lo của người làng mình nữa”.

Ngừng tay nhổ cỏ, ông kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa ông đến với cây lúa nước: “Trước giải phóng, mình đã được đi tham quan cánh đồng lúa nước của các xã phía Nam huyện Kbang. Thấy lúa ở đó xanh tốt, mùa thu hoạch bông lúa trĩu nặng hạt nên quyết tâm học hỏi để làm theo. Ban đầu, mình đi tìm các ô ruộng có nước, rồi ở lại làm đất mãi đến tối mới về. Bởi thế nên dân làng cứ thắc mắc sao mình không có mặt ở nương rẫy dù sáng sớm nào họ cũng trông thấy mình đeo gùi, vác cuốc rời khỏi nhà. Khi ấy, mình đã giải thích rằng, đang trồng thử cây lúa nước, nếu có hiệu quả thì sẽ giúp bà con cùng làm”.

Nghe ông nói vậy, dân làng Đak Trâu chăm chú theo dõi. Sau khi gieo sạ, thấy hạt lúa nhanh chóng bám rễ sâu vào đất, từ một lá, hai lá mầm rồi dần dần vươn mình xanh tốt. Thế nhưng, mùa thứ nhất, mùa thứ hai, rồi đến mùa thứ ba trôi qua trong sự thất bại. Bởi lẽ ngay khi còn ở “thì con gái”, những cây lúa “vàng ngọc” của nhà Hyum đã bị chuột gặm nhấm đến tận gốc rễ.

Lúc bấy giờ, người trong làng không còn tin lời ông nữa. Họ cho rằng làm lúa nước cực khổ mà không được ăn thì chỉ phí công, trồng lúa rẫy chắc chắn hơn. Riêng ông thì vẫn kiên trì bên những thửa ruộng của mình. Ngày ngày ông vẫn tích cực làm đất, dẫn nước vào ruộng, quyết tâm đào hang để tiêu diệt hết bọn chuột phá phách. Cũng may, ông trời đã không phụ sự cố gắng ấy của ông khi bước sang vụ mùa thứ 4, lúa của ông đã làm đòng. Những vạt lúa ươm vàng trên các thửa ruộng trước sự trầm trồ không ngớt của dân làng Đak Trâu.
 

Ảnh: Cao Nguyên
Ảnh: Nguyên

“Ai không xuống nước sẽ bị đói cả đời”

Cũng giống bao già làng khác, già Hyum luôn trăn trở trước cái đói cố hữu của dân làng Đak Trâu từ bao đời. Bởi vậy, sau khi thấy trồng lúa nước cho hiệu quả, ông tích cực vận động bà con cùng làm. Nhất là từ khi có chủ trương của Đảng ủy xã Krong về việc trồng lúa nước tập thể trên cánh đồng Tmun, ông đã cùng cán bộ xã tuyên truyền đến tận từng gia đình. Trung bình mỗi tháng ông tổ chức họp dân ít nhất 2 lần để giải thích cho họ hiểu rằng “phá rừng làm rẫy là vi phạm pháp luật. Nhà nước đang cấm phá rừng nên nếu ai không xuống nước thì sẽ bị đói cả đời”.

Khi công tác vận động đã khả quan, ông và cán bộ xã tìm cách dẫn nước vào ruộng. Cho đến bây giờ, trong ký ức của mình, ông vẫn không quên được hình ảnh mọi người nối nhau gùi những thớ đất làm đập thủy lợi trên suối Hnir. Năm 1978, xã Krong được Nhà nước đầu tư làm đập chứa nước Hnir để cung cấp nước tưới cho cánh đồng. Tuy nhiên, những vụ đầu trồng lúa nước tập thể không cho hiệu quả cao nên xã Krong đã có chủ trương đưa cây lúa về từng hộ gia đình để canh tác và mở rộng cánh đồng Đak Nir.

Lúc bấy giờ, người dân làng Đak Trâu và toàn xã Krong tìm đến nhà già Hyum để hỏi thêm về kinh nghiệm canh tác. Giờ đây cây lúa nước đã không còn xa lạ với dân làng Đak Trâu và xã Krong. Ai cũng biết trồng lúa đúng kỹ thuật và trình tự từng bước từ làm đất, ủ giống, gieo sạ, cấy lúa, làm cỏ đến diệt con sâu. Thậm chí, họ còn biết đổi các giống lúa đã thoái hóa để trồng các giống mới cho năng suất cao hơn.
 

Ảnh: Nguyên Võ
Ảnh: Nguyên Võ

Mặt trời đã xuống núi. Hương lúa trổ bông thoang thoảng khắp cánh đồng. Dõi theo hướng chỉ tay của già Hyum là những thửa ruộng xanh rờn, thẳng tắp được nuôi nấng kỹ lưỡng bởi đất mẹ anh hùng, được tắm táp bởi nước suối Hnir cùng sự chăm chút tỉ mẩn của dân làng Đak Trâu. “Rồi đây, cái đói nghèo sẽ bị đuổi khỏi làng, bà con của mình sẽ sung túc hơn, mình tin thế…”-già Hyum khẳng định.

Theo Báo Gia Lai