Giáo dục Dân tộc cấp trung học phổ thông: Cần thêm nhiều giải pháp thiết thực

14/01/2014 07:39 AM


Có xuất phát điểm thấp so với các vùng miền khác trong cả nước, song những năm gần đây ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai nói chung và lĩnh vực giáo dục học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông (THPT) nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, giáo dục dân tộc ở bậc học này vẫn cần nhiều giải pháp để ngày một nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Có xuất phát điểm thấp so với các vùng miền khác trong cả nước, song những năm gần đây ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai nói chung và lĩnh vực giáo dục học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ thông (THPT) nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, giáo dục dân tộc ở bậc học này vẫn cần nhiều giải pháp để ngày một nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Ông Nguyễn Văn Chiến-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, khẳng định: Trong 5 năm trở lại đây, giáo dục dân tộc của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn ngày càng được rút ngắn.

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Sở Giáo dục-Đào tạo, mạng lưới trường, lớp cấp THPT của tỉnh trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 42 trường THPT, trong đó có Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh cấp THPT với quy mô đào tạo 400 học sinh/năm. Huyện ít nhất có 1 trường THPT, nhiều huyện đã có tới 3 trường THPT. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 16 trường THPT đặt tại các xã, chủ yếu phục vụ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Phương Duyên
Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Bên cạnh đó, thực hiện “Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PT Dân tộc Nội trú giai đoạn 2011-2015”, ngành Giáo dục-Đào tạo đã và đang xây dựng cơ bản hoàn thiện 1 trường PT Dân tộc Nội trú cấp THPT tại thị xã An Khê với quy mô 400 học sinh/năm để kịp thời khai giảng từ năm học 2014-2015 nhằm đào tạo học sinh dân tộc Bahnar thuộc các huyện phía Đông của tỉnh. Toàn tỉnh còn có 16 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có nhiệm vụ đào tạo học viên cấp THPT theo hệ giáo dục thường xuyên, trong đó tỷ lệ học viên là người DTTS  đều có số lượng cao và tăng đều qua từng năm.

Chất lượng giáo dục trong các trường THPT vùng DTTS và trường PT Dân tộc Nội trú của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây đã thực sự ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực. Số học sinh DTTS lớp 12 thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi quốc gia đều tăng hàng năm. Đặc biệt, đối với Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong hai năm học gần đây là 100%, tỷ lệ xếp loại học lực khá giỏi tăng từ 19,3% (năm học 2008-2009) lên 50,3% (năm học 2012-2013); ngoài ra, số học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cũng tăng từ 10% lên 90% trong 5 năm qua.

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, tình trạng học sinh DTTS cấp THPT bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn qua từng năm: Nếu như năm học 2010-2011 con số này là 1,24% thì năm học 2011-2012 đã giảm xuống còn 1,18%; đến năm học 2012-2013 thì chỉ còn 0,92% học sinh DTTS cấp THPT bỏ học.  

Nhiều đề xuất nâng cao chất lượng giáo dục

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng lĩnh vực giáo dục dân tộc cấp THPT tại tỉnh ta vẫn còn không ít khó khăn từ nhiều phía. Làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục dân tộc ở bậc học này là vấn đề được đưa ra bàn thảo rất nhiều trong các buổi làm việc với đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội.

Đa số các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều “gặp khó” như nhau đối với đối tượng học sinh DTTS: Chất lượng đầu vào thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh phải phụ giúp gia đình, phụ huynh chưa quan tâm lắm đến việc học, tình trạng tảo hôn… Bàn về phương pháp dạy và học đối với học sinh DTTS, cô Trịnh Thị Trang-Hiệu trưởng Trường THPT Ia Ly (huyện Chư Pah), nêu một sáng kiến của nhà trường: Bên cạnh việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, phân công học sinh giỏi kèm học sinh yếu…, nhà trường còn đặt ra danh hiệu “Học sinh chuyên cần” và tổ chức khen thưởng cùng đợt với học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường nhằm động viên học sinh DTTS đến lớp.

Bà Hồ Thị Thảo-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pah, cũng chia sẻ một số biện pháp hay đã được áp dụng như: Tổ chức riêng Hội thi giáo viên dạy giỏi cho giáo viên là người DTTS trên địa bàn huyện; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường học tập thân thiện đối với học sinh…

Đáng chú ý, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Thành-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục-Đào tạo) đã khiến nhiều người đồng tình khi chỉ ra một cái dở của biện pháp phân công học sinh giỏi kèm học sinh yếu, đó là khiến học sinh DTTS thêm tự ti về bản thân. Ông Thành trao đổi một kinh nghiệm: Các lớp học đa văn hóa ở các nước tiên tiến đều chủ trương “Không ai giỏi tất cả, không ai dốt mọi thứ”. Vì thế, giáo viên phải làm sao phát huy được thế mạnh, sở trường của từng học sinh, qua đó hướng dẫn các em giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Đặc biệt, đừng để các học sinh DTTS “bị” giúp trước mà phải để các em “được” giúp bạn trước, như vậy sẽ phát huy được tính tự tin của các em, giúp các em hòa nhập và học tập tốt hơn.

 

Năm học 2013-2014 toàn tỉnh có 40.362 học sinh THPT, trong đó 7.458 học sinh DTTS, chiếm 18,48% (tăng 413 học sinh so với năm học 2010-2011). Cả tỉnh có 2.069 học viên cấp THPT học theo hệ giáo dục thường xuyên tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, trong đó có 1.472 học viên là người DTTS, chiếm 71,14% (tăng 404 học viên so với năm học 2010-2011). Về đội ngũ, toàn ngành có 2.422/ 22.831 cán bộ, giáo viên và nhân viên là người DTTS, chiếm 12,15%; riêng giáo viên cấp THPT là 151 người. Trong số 119 cán bộ quản lý giáo dục của hệ thống các trường THPT có 7 cán bộ quản lý là người DTTS, chiếm 5,88%.

Cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh, cũng nêu những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải: Với mức học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng như hiện nay, mỗi ngày học sinh nhà trường chỉ có 29.000 đồng/3 bữa ăn là quá thấp. Ngoài ra, với đặc thù của một trường nội trú, “nhà trường đã nhiều lần “kêu” về chế độ sinh hoạt phí cho học sinh nữ nhưng 5 năm nay không có chính sách gì mới”, trong khi điều kiện kinh phí của nhà trường hạn hẹp. Vì vậy, nhà trường kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức học bổng từ 80% lên 100% của mức lương tối thiểu cho học sinh các trường PT Dân tộc Nội trú để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu cho học sinh, đồng thời bổ sung chế độ sinh hoạt phí cho học sinh nữ.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nguyễn Văn Chiến cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí theo “Dự án Giáo dục THPT- giai đoạn 2” và “Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 1640 của Thủ tướng Chính phủ để tỉnh đầu tư xây dựng đầy đủ trường, lớp cấp THPT có đầy đủ các nhà hiệu bộ, phòng chức năng; mua sắm trang-thiết bị dạy học cho các trường THPT mới thành lập.

 

Ảnh: Minh Thi

Ảnh: Minh Thi

Làm việc với đoàn, ông Phùng Ngọc Mỹ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-nhận định, chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS cấp THPT ở miền núi đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chú trọng như: Thông tư liên tịch số 109 về chế độ hỗ trợ học sinh các trường PT Dân tộc Nội trú; Nghị định 49 quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; Nghị định 134 quy định về công tác cử tuyển học sinh dân tộc; Quyết định 12 về chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; mới đây nhất là Quyết định 36 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Song, cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì “chính sách rất nhiều nhưng tiền đưa về rất… chậm”, dẫn đến việc có những chính sách chưa phát huy hết hiệu quả.

Bà Cao Thị Xuâ-Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn khảo sát cũng đồng tình: “Có khá nhiều chính sách do Chính phủ ban hành nhưng được thực thi chưa tốt. Riêng khu vực miền núi hiện có đến gần 150 chính sách trên các lĩnh vực nhưng có những chính sách chỉ phát huy hiệu quả khoảng 10%”. Bà Cao Thị Xuân cho biết, đoàn sẽ ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị và đề xuất của Gia Lai cũng như nhiều tỉnh thành khác trong đợt khảo sát và báo cáo với Quốc hội để có những quyết sách phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục dân tộc ở các vùng miền trong cả nước.

Theo Báo Gia Lai