Tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa

03/01/2014 07:14 AM


Sau bước khởi đầu lúng túng, đến nay sau 3 năm triển khai, có 6/ 45 xã điểm (toàn tỉnh có 185 xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới) về “đích”. Đây là những “quả ngọt” đầu mùa hứa hẹn trong năm tới và những năm tiếp theo là những mùa “bội thu” của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau bước khởi đầu lúng túng, đến nay sau 3 năm triển khai, có 6/ 45 xã điểm (toàn tỉnh có 185 xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới) về “đích”. Đây là những “quả ngọt” đầu mùa hứa hẹn trong năm tới và những năm tiếp theo là những mùa “bội thu” của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trên thực tế, với nhiều chủ trương, chính sách, những năm qua nông thôn Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với những kết quả đạt được, đối chiếu với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho thấy: Bộ mặt nông thôn nhiều địa phương trong tỉnh đã có những đổi thay nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung nông thôn tỉnh ta còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những tồn tại, hạn chế kéo dài, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ; đời sống vật chất và tinh thần thiếu thốn, khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; người dân còn có tâm lý trông chờ ỷ lại; an ninh chính trị tiềm ẩn yếu tố bất ổn...
 

Làm đường giao thông ở xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông ở xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy

Ngay cả trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số, sự phân hóa giàu nghèo cùng các điều kiện sản xuất và đời sống cũng để lại nhiều trăn trở. Lĩnh vực giáo dục, y tế tuy có được quan tâm nâng cao nhưng luôn thiếu ổn định và bền vững, ngay cả cơ sở trường lớp, trạm y tế (cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, thuốc men); một số công trình xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa có kinh phí tu sửa hay khắc phục kịp thời…

Với chủ trương tập trung đầu tư cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng nhiều xã của tỉnh được đầu tư xây dựng, phát triển. Điện, đường, trường, trạm khiến cho nhiều xã vùng sâu đổi thay, từ Kon Pne-huyện Kbang, Đak Pling-huyện Kông Chro đến Hà Tây-huyện Đak Đoa, Krông Năng-huyện Krông Pa. Xã Kon Pne-huyện Kbang trước đây là “ốc đảo” nhưng với hơn 100 tỷ đồng đầu tư, con đường nối liền với xã từ xã Đak Krong đã chấm dứt vĩnh viễn tình trạng ách tắc giao thông, nhất là vào mùa mưa bão. Hà Đông là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, cách trung tâm huyện gần 60 km. Trước đây, đường vào Hà Đông chưa có, chỉ bằng cách cắt rừng hướng từ xã Ayun ngược lên nhưng nay đã có đường từ Đak Sơ Mei đi vào.

Mục đích, yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân không dừng lại ở một địa phương nào, tuy nhiên, để đảm bảo tính cấp thiết, đồng bộ, thống nhất và bền vững, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được chú trọng đầu tiên. Khảo sát một loạt địa phương từ Bắc đến Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mau chóng đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và đơm hoa kết trái.

Nhiệm vụ của các địa phương hiện nay là tiến hành tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ tỉnh, huyện đến xã. Đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm làm cơ sở nhân rộng ra ở địa phương mình. Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong nhân dân.

 

Theo Báo Gia Lai