Xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ: Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ

16/12/2013 07:33 AM


Từ năm 1995, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 81-01S trực thuộc Sở Giao thông-Vận tải quản lý với một dây chuyền kiểm định đặt tại trung tâm TP. Pleiku. Thời gian đầu, Trung tâm cơ bản đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện trên địa bàn tỉnh với số lượt kiểm định trung bình hàng năm là 5.700 lượt.

Từ năm 1995, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 81-01S trực thuộc Sở Giao thông-Vận tải quản lý với một dây chuyền kiểm định đặt tại trung tâm TP. Pleiku. Thời gian đầu, Trung tâm cơ bản đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện trên địa bàn tỉnh với số lượt kiểm định trung bình hàng năm là 5.700 lượt. Tuy nhiên, do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ nên dây chuyền kiểm định đã trở nên quá tải, đồng thời vị trí đặt dây chuyền kiểm định đã không còn phù hợp khi thành phố không ngừng mở rộng.
 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Đến năm 2007, UBND tỉnh giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị di dời Trung tâm Đăng kiểm ra ngoại ô thành phố và nâng năng lực kiểm định lên 2 dây chuyền. Thực hiện đề án xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông-Vận tải, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải phối hợp cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam và Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai thực hiện chuyển đổi Trung tâm Đăng kiểm 81-01S sang mô hình xã hội hóa.

Theo đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý điều hành hoạt động Trung tâm đăng kiểm. Cục Đăng kiểm quản lý về mặt nghiệp vụ, Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Cục Đăng kiểm thanh-kiểm tra hoạt động kiểm định tại đây. Đến năm 2010, với nguồn lực tài chính sẵn có, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm một dây chuyền kiểm định đặt tại huyện Đak Pơ, giúp chủ phương tiện các huyện phía Đông của tỉnh tiết kiệm được thời gian và chi phí khi đi kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ.

Việc xã hội hóa công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ bước đầu giải quyết được nhu cầu về vốn cho công tác đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các dây chuyền đã có theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Trung tâm đã bộc lộ một số tồn tại, đặc biệt là công tác quản lý các đăng kiểm viên trong quá trình thực hiện công tác kiểm định. Lãnh đạo và các đăng kiểm viên là cán bộ, công nhân thuộc sự quản lý và hưởng lương từ doanh nghiệp, chịu sự chỉ đạo của Giám đốc doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận được đưa lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2012, cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai. Một thời gian dài, để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, Ban Giám đốc Công ty đã sử dụng tiền thu phí kiểm định để giải quyết công nợ thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác, hậu quả là toàn bộ cán bộ, đăng kiểm viên hoạt động tại Trung tâm Đăng kiểm 81-02D bị nợ lương, có thời điểm nợ lương kéo dài đến 3-4 tháng. Điều đó làm cho công tác quản lý chất lượng kiểm định tại Trung tâm càng thêm khó khăn…

 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Đến tháng 11-2011, theo đề nghị của Công ty TNHH Vận tải Ô tô tỉnh Gia Lai, Bộ Giao thông-Vận tải cho phép Cục Đăng kiểm thành lập thêm một Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 81-03D với 2 dây chuyền kiểm định trên địa bàn TP. Pleiku, hoạt động theo mô hình xã hội hóa mới. Tại thời điểm trên, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Hàng loạt các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm đăng kiểm 81-02D bị Cục Đăng kiểm đình chỉ, tước giấy chứng nhận đăng kiểm viên do bị phát hiện hạ thấp tiêu chuẩn  kiểm định, bỏ qua công đoạn, kiểm định nhanh… Trước nguy cơ không còn đăng kiểm viên đủ điều kiện tham gia công tác kiểm định, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai phối hợp với Cục Đăng kiểm chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm 81-02D sang mô hình xã hội hóa mới. Bắt đầu từ ngày 1-1-2013, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1 Trung tâm Đăng kiểm 81-03D trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hoạt động theo mô hình xã hội hóa mới, cơ sở vật chất do 2 doanh nghiệp cùng đầu tư là Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai và Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai. Lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để thực hiện công tác kiểm định trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý.

Với sự đầu tư từ nguồn vốn xã hội, Trung tâm đăng kiểm 81-03D đã được trang bị dây chuyền kiểm định cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại; hệ thống máy chủ và camera giám sát quá trình thực hiện công tác đăng kiểm được thực hiện đến tận dây chuyền kiểm định; mọi lĩnh vực hoạt động của đăng kiểm đều được ứng dụng công nghệ thông tin; các công đoạn, quy trình, thủ tục đăng kiểm đã được tin học hóa... Từ đó đến nay, hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, chất lượng kiểm định không ngừng được nâng cao, tỷ lệ phương tiện không đạt khi kiểm định lần đầu luôn thấp hơn mức trung bình của cả nước… Việc cạnh tranh giữa các Trung tâm Đăng kiểm bằng cánh hạ thấp tiêu chuẩn, bỏ bớt công đoạn kiểm định… đã không còn xảy ra.

Để công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thực sự trở thành chốt chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phương tiện lưu thông trên đường không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, theo chúng tôi, công tác kiểm định cần xác định rõ việc cấp giấy chứng nhận và tem an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới tham gia giao thông là thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, hiện đang được ủy quyền cho các đơn vị đăng kiểm thuộc các Sở Giao thông-Vận tải và Cục Đăng kiểm thực hiện, không thuộc chức năng, thẩm quyền của doanh nghiệp.

Tai nạn giao thông đang là vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Do vậy dù các trung tâm đăng kiểm hoạt động theo mô hình nào, trực thuộc ai quản lý thì khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, tai nạn giao thông do lỗi kỹ thuật phương tiện xảy ra trên địa bàn thì người đứng đầu ngành giao thông phải chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội và trước cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính vì vậy, Bộ Giao thông-Vận tải cần phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan ban hành các quy định để hướng dẫn các trung tâm đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa mới hoạt động, chuyển các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới theo mô hình xã hội hóa mới về các Sở Giao thông-Vận tải quản lý.

Theo Báo Gia Lai