Kon Pne vào mùa tuốt lúa

05/12/2013 07:08 AM


Những ngày này trên các triền đồi của vùng đất Kon Pne (huyện Kbang) là những đám lúa đã vàng ươm nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi. Mùa thu hoạch lúa về cũng là mùa lễ hội nên cả thung lũng Kon Pne đang được ướp bằng hương lúa mới và hương rượu cần thoang thoảng ngọt thơm…

Những ngày này trên các triền đồi của vùng đất Kon Pne (huyện Kbang) là những đám lúa đã vàng ươm nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi. Mùa thu hoạch lúa về cũng là mùa lễ hội nên cả thung lũng Kon Pne đang được ướp bằng hương lúa mới và hương rượu cần thoang thoảng ngọt thơm…

Lúa rẫy-linh hồn của cha ông

 

 Ảnh: Nguyễn Giang
Ảnh: Nguyễn Giang

Khi buổi sáng Kon Pne còn đẫm sương, già Đinh Anhai ở làng Kon Ktonh (thôn 2) dẫn tôi và anh Đinh Ahun-Chủ tịch Hội Nông dân xã băng qua con suối Đak Pne trong veo có thể nhìn thấy đáy và những ngọn đồi để đến đám lúa rẫy trên khu nhà đầm đã đến kỳ thu hoạch. Lúa rẫy của già Anhai không nhiều, chỉ một đám nhỏ nhưng già bảo: “Thế là đủ”. Cũng theo già Anhai thì với bao thế hệ đồng bào Bahnar, từng hạt lúa rẫy và từng thân lúa rẫy chính là nơi nương náu của linh hồn cha ông, của tổ tiên mà con cháu đời đời không bao giờ được quên lãng. Cứ mỗi tháng 4 về, nhà nào không tỉa được lúa rẫy, dù chỉ một khoảnh nhỏ thì sẽ bị cha ông trách phạt. Theo anh Đinh Ahun, những năm gần đây đồng bào cả xã duy trì chừng 50 ha lúa rẫy mỗi vụ để tập trung đầu tư cho lúa ruộng, bắp lai, bời lời đỏ… nhằm nâng cao cuộc sống.

Những thủ tục như cúng trỉa hay ăn lúa mới nay cũng được bà con đổi mới nhiều, không còn cầu kỳ và mất thời gian như trước nữa. Già Anhai đã trải qua 62 mùa lúa kể rằng: Cách đây chỉ chừng chục năm, mỗi lần làng cúng trỉa lúa hay ăn lúa mới là phải mổ heo, mổ gà rồi tập trung uống rượu ở nhà rông ròng rã cả tuần mới lên rẫy nhưng nay chỉ cần mổ gà, uống rượu một ngày. Lễ cúng lúa mới thì thường diễn ra vào cuối tháng 10 Âm lịch. Khi những rẫy lúa đã ngả vàng, bước vào mùa thu hoạch thì mỗi nhà sẽ chọn ra những bông lúa chín nhất, đẹp nhất tuốt về, rang lên rồi bỏ vào cối giã thành bột. Một con dúi cũng được chọn để nướng lên, cắt ra từng miếng nhỏ rồi cả làng đem tất cả lên nhà rông cúng Yang. Khi lễ cúng lúa mới kết thúc, mỗi nhà tự sắp xếp và chọn ngày tuốt lúa về kho.

Rẫy lúa dù to hay nhỏ cũng đều được rào cẩn thận để tránh trâu bò hay heo rừng vào phá phách. Cùng với việc trồng xen lẫn bầu, bí, rau thơm, lá é, rẫy lúa còn là nơi để bà con trồng xen hạt cao, một loại hạt dùng để làm rượu cần ngon số một của đồng bào Bahnar. Đám lúa rẫy cũng là nơi để những chàng trai đi bẫy chim, bẫy chuột. Khi lúa bắt đầu trổ bông, mùi thơm ngọt ngào của sữa gạo sẽ dụ lũ chuột, lũ chim về. Khi ấy, các tay săn của làng tha hồ đặt bẫy chuột và dùng ná bắn chim. Già Anhai khoe rằng dù mắt không còn tinh anh, chân không còn được khỏe nhưng mùa này già cũng bẫy được 50 con chuột và trên dưới 20 chim rừng.

Tuốt lúa rẫy…

Khi thu hoạch lúa rẫy bà con dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi chứ tuyệt nhiên không dùng dao hay liềm để cắt lúa. Già Anhai vừa hướng dẫn cho tôi cách tuốt lúa vừa nói: “Lúa rẫy phải dùng tay tuốt vì nếu dùng dao hay liềm cắt rồi về mới đập lấy hạt thì sẽ làm đau thân lúa, đau hạt lúa, linh hồn của cha ông cũng sẽ bị đau nên mùa sau sẽ không còn cho hạt nữa”. Việc dùng tay tuốt lúa sẽ làm rơi vãi hạt nhưng già Anhai bảo những hạt lúa ấy là đồng bào trả ơn cho đất vì đã có công nuôi dưỡng.

 

 Ảnh: Nguyễn Giang
 

Có lẽ vì thế mà đồng bào nơi đây nâng niu từng bông lúa trĩu hạt như nâng niu những hạt ngọc dễ vỡ. Nhìn cách già Anhai tuốt lúa đủ để nhận ra điều đó. Đầu tiên ông vuốt ve từng bông lúa rồi mới nắm thật chặt từng bông trong bàn tay rắn rỏi, tuốt mạnh để không còn hạt lúa nào bị sót lại. Ông lại nhẹ nhàng đổ từng thúng lúa nhỏ vào một chiếc gùi lớn để gùi về nhà. Năm nay, già Anhai chỉ trồng chưa tới một sào lúa rẫy nên già dự đoán chỉ được chừng 3-4 gùi lớn nhưng sẽ không sợ đói vì nhà già trồng rất nhiều lúa nước dưới thung lũng. Lúa rẫy chỉ dùng để cúng Yang và cúng tổ tiên bởi cơm lúa rẫy ngon hơn lúa ruộng vì hạt to, có vị ngọt đậm đà, thơm nồng và dễ nấu hơn lúa nước. Theo sát chân già Anhai, anh Đinh Ahun vừa thoăn thoắt tuốt từng bông lúa vừa nói: “Đồng bào mình nay nhà nào cũng trồng một vài sào lúa rẫy, mỗi nhà đều đã có sẵn hai đến ba đám để luân canh”.

Trời gần về trưa, sương tan, nắng trải dài trên các sườn đồi, đứng từ trên cao nhìn xuống là từng đám lúa rẫy vàng ươm nhấp nhô những chiếc gùi to nhỏ. Dưới thung lũng là những cánh đồng lúa nước cũng đã ngả vàng trĩu hạt bên dòng suối Đak Pne hiền hòa. Tiếng cười nói, tiếng hú gọi nhau vang vọng cả núi rừng. Mùa thu hoạch lúa rẫy là mùa rộn ràng nhất, vui nhất của đồng bào Bahnar vì khi gùi những gùi lúa nặng về kho cũng là lúc họ được đón linh hồn của tổ tiên về nhà.

Theo Báo Gia Lai