Gia Lai: Chuẩn bị 6.586 tỷ đồng hàng hóa phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2014
29/11/2013 07:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014. Công tác chuẩn bị hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết đang được Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực triển khai, nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huynh-Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, đến nay, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đều đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Các nhóm hàng sản xuất và dự trữ thiết yếu gồm: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, nguyên vật liệu, hàng công nghiệp, may mặc, giày dép, hoa Tết các loại… với tổng giá trị 6.586 tỷ đồng. Cụ thể, 32 doanh nghiệp đầu mối cùng các siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn toàn tỉnh sẽ dự trữ 25.000 tấn lương thực; 4.400 tấn gia súc, gia cầm; 3.260 tấn cá tươi; 7.600 tấn rau, củ, quả; 910.000 chai rượu; 9,1 triệu lít bia; 3,1 triệu lít nước giải khát; 810 tấn bánh, mứt; 25.000 bình gas 12 kg; 25 triệu lít xăng và 29 triệu lít dầu… “Tỉnh ta đa số hàng hóa nhập từ các địa phương khác, sản xuất tại chỗ rất ít. Vì thế, bên cạnh sự vận động từ phía Sở Công thương, bản thân các doanh nghiệp luôn chủ động trong việc tiếp cận, thu mua và dự trữ hàng hóa. Họ luôn tìm đến các đơn vị cung cấp hàng tận gốc, ký hợp đồng sớm hơn thời điểm Tết khoảng 2-3 tháng để chốt giá và chủ động nguồn hàng”- ông Huynh cho hay. Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng cận Tết cổ truyền tăng 25% so với những tháng bình thường. Năm nay, theo nhận định của ngành Công thương, sức mua thị trường sẽ yếu do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, giá cả biến động bất thường, nhất là hàng nông sản liên tục giảm trong thời gian gần đây. Tuy còn nhiều lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng hóa dịp Tết, nhưng các doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra tình trạng “cháy hàng, sốt giá”.
Phó Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết thêm: Với lượng hàng hóa đã chuẩn bị, ngoài việc phục vụ cố định tại các cửa hàng, quầy hàng hay siêu thị… các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức đưa hàng hóa về các vùng khó khăn để bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng; tích cực tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho nhân dân vùng xâu, vùng xa. Những năm qua, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai luôn là đơn vị chủ lực, với hơn 40 đầu xe tải phục vụ bán lưu động trên địa bàn tỉnh. Cũng theo kế hoạch đưa ra, Cục Dự trữ khu vực Bắc Tây Nguyên đảm bảo dự trữ một lượng gạo và thóc để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, góp phần bình ổn giá thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô trong khu vực. Song song với đó, các đơn vị phải tập kết hàng hóa về kho dự trữ vào cuối tháng 12-2013. Các đơn vị chủ lực như: Co.op Mart Pleiku, Vinatex Mart, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên và Công ty cổ phần Gia Lai CTC… bên cạnh việc phục vụ tốt những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu mua sắm của nhân dân còn phải gắn với việc hàng hóa đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công thương cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mại kích thích tiêu dùng để tăng sức mua, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận được với các mặt hàng bình ổn giá phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024