Huyện Kbang: Sau mưa, lũ hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nặng
26/11/2013 07:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, không chỉ làm thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu của người dân huyện Kbang mà nó còn làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương bị vùi lấp... Điều này, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014 của người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là diện tích lúa nước.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, không chỉ làm thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu của người dân huyện Kbang mà nó còn làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương bị vùi lấp... Điều này, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014 của người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là diện tích lúa nước. Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2013-2014 tổng diện tích gieo trồng toàn huyện Kbang là hơn 5.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa nước là 980 ha, bắp lai 1.400 ha, diện tích cây mì 270 ha, đậu các loại 300 ha, rau các loại 657 ha, mía trồng mới 1.510 ha…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trận mưa lũ vừa qua đã làm cho hệ thống kênh mương, các công trình đập thủy lợi bị hư hỏng, thiệt hại nặng, đã ảnh hưởng lớn đến khả năng tưới và cung cấp nước cho các cánh đồng. Theo đánh giá mới nhất từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, tổng giá trị thiệt hại các công trình thủy lợi trên địa bàn lên tới 925 triệu đồng. Chịu thiệt hại nặng nhất là hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi đập tràn Đê Bar (xã Tơ Tung) phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Đê Bar ở xã Tơ Tung. Theo đó, nước lũ đã làm đập tràn bị vỡ tại vị trí cống xả cát, làm cho nước chảy theo vết vỡ không chảy vào kênh được. Ngoài ra, tại địa bàn xã Tơ Tung hệ thống kênh mương cũng bị hư hỏng, sạt lở và bị cát vùi lấp nhiều đoạn (khoảng hơn 500 mét). Qua khảo sát, đánh giá thực trạng thì kinh phí để sửa chữa, nâng cấp lại đập Đê Bar ước khoảng 500 triệu đồng… Do đó nếu không được khắc phục sớm sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới cũng như sự an toàn của công trình. Bà Đinh Manh, ở làng Stơr, xã Tơ Tung đang tổ chức gặt lúa vụ mùa cho biết: “Mọi năm vào thời điểm này nước đã về đến ruộng rồi, nhưng năm nay ruộng vẫn chưa thấy có nước về để bà con gieo sạ vụ Đông Xuân. Nếu nước không về thi bà con gieo sạ lúa chỉ trông chờ vào nước trời thôi.
Trao đổi và trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm những hư hỏng của hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn, ông Đinh Srâm-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung cho biết: Đập tràn Đê Bar có năng lực phục vụ tưới cho các cánh đồng khoảng 200 ha vụ Đông Xuân 2013-2014 nhưng hiện tại nước gần như không thể đến được với cánh đồng. Nếu hệ thống thủy lợi không được sửa chữa, khắc phục kịp thời thì khả năng hoàn thành kế hoạch gieo sạ vụ Đông Xuân năm nay của xã là rất khó thực hiện. Sắp tới xã sẽ huy động người dân tham gia nạo vét lại những đoạn mương bị cát vùi lấp, hư hỏng nhẹ, còn chỗ hư hỏng nặng ở đập chính cần kinh phí tu sửa rất lớn nên xã đang đề xuất lên trên xin kinh phí khắc phục. Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi khác trên địa bàn huyện cũng bị hư hỏng và nước cuốn trôi như công trình thủy lợi hồ Buôn Lưới (xã Sơ Pai) tiêu năng tràn xả lũ sạt lở nghiêm trọng, ước kinh phí sửa chữa khoảng 300 triệu đồng; công trình thủy lợi Đak Niar (xã Krong) bị hư hỏng, các rọ đá hạ lưu đập bị cuốn trôi, ước thiệt hại trên 70 triệu đồng; kênh chính thủy lợi Đak Jăng (xã Lơ Ku) bị sạt lở đất gây bồi lấp 2 đoạn bê tông cốt thép dài khoảng 10 mét, ước kinh phí khắc phục khoảng 5 triệu đồng…
Ông Nguyễn Hữu Chiêu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Trước mắt huyện thành lập đoàn đi kiểm tra nắm tình hình cụ thể thiệt hại về cây trồng, nhà cửa và các công trình thủy lợi trên địa bàn. Riêng hệ thống các công trình thủy lợi có những đoạn bị rò rỉ, cát vùi lấp, sạt lở ít có thể tự khắc phục được thì huyện chỉ đạo các địa phương nhanh chóng huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương và sửa chữa, dùng bao đất đắp lại để phục vụ cho sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Còn đối với phần đập bị vỡ, những chỗ bị thiệt hại lớn, cần nhiều kinh phí để sửa chữa lớn thì huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để kịp thời sửa chữa, nhằm phục vụ kịp thời cho người dân trên địa bàn sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014. Để phục vụ tốt cho việc sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014 chính quyền địa phương cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi giúp người dân sản xuất kịp lịch thời vụ và gieo trồng đạt kế hoạch đảm bảo cuộc sống.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024