Tháo gỡ những bất cập trong quản lý nông-lâm-thủy sản

19/11/2013 07:23 AM


Dựa trên những quy định trong Thông tư số 14/2011/TT- BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã giao trách nhiệm cho các Chi cục trực thuộc kiểm tra, đánh giá xếp loại theo từng lĩnh vực.

Dựa trên những quy định trong Thông tư số 14/2011/TT- BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm tra, đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã giao trách nhiệm cho các Chi cục trực thuộc kiểm tra, đánh giá xếp loại theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện, các cơ quan chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ những quy định trong Thông tư này.

Thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản tỉnh, từ khi Thông tư số 14 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ra đời năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức rà soát 849 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

Kiểm tra tại nhà máy phân vi sinh Tổng Công ty 15. Ảnh: Nguyễn Diệp
Kiểm tra tại nhà máy phân vi sinh Tổng Công ty 15. Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua rà soát có 133 cơ sở còn đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 716 cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc có đăng ký nhưng không sản xuất kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp và các sản phẩm liên quan. Bước sang năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản tiếp tục lựa chọn 76 cơ sở để kiểm tra đánh giá phân loại, thì có đến 28 cơ sở ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm liên quan nên không kiểm tra đánh giá.

48 cơ sở đang hoạt động (37 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, 11 cơ sở sản xuất kinh doanh nông-lâm-thủy sản) thì 40 cơ sở  được đánh giá xếp loại A (đảm bảo các điều kiện sản xuất kinh doanh tốt), 8 cơ sở xếp loại B đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Trong năm 2013 các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra 126/137 cơ sở. Qua kiểm tra thực tế đã có 37 cơ sở ngừng hoạt động từ lâu hoặc chuyển giấy phép về các huyện. Chỉ có 89 cơ sở (chủ yếu sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp) được đánh giá xếp loại thì có 2 cơ sở vi phạm không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh các mặt hàng này; 74 cơ sở xếp loại A; 13 cơ sở xếp loại B.

Bên cạnh các cơ sở do các đơn vị của tỉnh kiểm tra đánh giá, các địa phương cũng đã tổ chức kiểm tra đánh giá theo quy định của Thông tư số 14. Trong năm 2013 đã có 6 huyện, thị xã, thành phố kiểm tra đánh giá 208 cơ sở, có đến 48 cơ sở dừng hoạt động, còn lại 160 cơ sở được kiểm tra đánh giá xếp loại 71/ 160 cơ sở xếp loại A đạt tỷ lệ 44%; 84/160 cơ sở xếp loại B; 5 cơ sở xếp loại C đạt tỷ lệ 3,1%.

 

Kiểm tra công ty phân bón Sông Gianh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Kiểm tra công ty phân bón Sông Gianh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo nhìn nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, mặc dù đã thực hiện  được 3 năm, nhưng nhiều quy định trong Thông tư 14/2011/BNN&PTNT vẫn còn nhiều bất cập, khiến việc thực hiện của các cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Một số bất cập như thiếu một số biểu mẫu với các mặt hàng sản xuất kinh doanh giống cây trồng hoặc có biểu mẫu nhưng cơ sở pháp lý không rõ ràng. Các quy định còn chung chung như giết mổ gia súc, gia cầm phải cách xa khu dân cư và nguồn nước sinh hoạt, nhưng không nói rõ cách xa bao nhiêu.

Việc cấp thẩm quyền nào cấp giấy phép thì cấp đó được quyền kiểm tra rất khó thực hiện vì cấp xã, huyện trình độ còn hạn chế. Bên cạnh đó, mặt hàng phân bón có đến hàng ngàn danh mục, vì vậy rất khó quản lý. Không những vậy, kiểm phiếu theo từng lô hàng (chủ yếu là mặt hàng phân bón) cũng rất khó thực hiện vì không thể lấy hết phiếu của lô hàng đó…

Trong chuyến kiểm tra, khảo sát mới đây của Cục Quản lý chất lượng Nông- Lâm và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại Nhà máy sản xuất phân vi sinh của Tổng Công ty 15 và Công ty Phân bón Sông Gianh. Các cơ quan chức năng cũng đã nhắc nhở 2 đơn vị những lỗi cơ bản như chưa có mã số quy định của người được lấy mẫu phân; bao bì dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng…

Ông Phùng Hữu Hào- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Thông tư 14/2011/TT- BNN& PTNT đã có hiệu lực từ 3 năm nay. Tuy nhiên,  qua thực tế triển khai hầu hết các địa phương trong nước đều gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ những quy định trong Thông tư này.

Riêng tỉnh Gia Lai việc thực hiện Thông tư này khá tốt, các cơ sở kiểm tra được đánh giá đúng với thực tế sản xuất kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm này. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều bất cập gây không ít khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá phân loại. Ghi nhận những bất cập hạn chế này, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tìm ra giải pháp để tháo gỡ những bất cập trong Thông tư 14 giúp các địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông-lâm-thủy sản”.

 

Theo Báo Gia Lai