Tuyển dụng lao động người DTTS vào làm công nhân cao su ở Gia Lai:

11/11/2013 08:30 AM


(GLO)- Tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân vùng dự án và khu vực lân cận, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được coi là mục tiêu chính của dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở khu vực Tây Nguyên. Tại Gia Lai, từ khi triển khai đến nay, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, vẫn còn đó nhiều khó khăn và bất cập, cần sự chung tay giải quyết từ các cấp, các ngành. Báo Gia Lai có loạt bài xoay quanh thực trạng này.

Từ chủ trương đến thực tế

Bài 1: Đòn bẫy xóa đói giảm nghèo bền vững

(GLO)- Tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân vùng dự án và khu vực lân cận, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được coi là mục tiêu chính của dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở khu vực Tây Nguyên. Tại Gia Lai, từ khi triển khai đến nay, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, vẫn còn đó nhiều khó khăn và bất cập, cần sự chung tay giải quyết từ các cấp, các ngành. Báo Gia Lai có loạt bài xoay quanh thực trạng này.


Tháng 4-2007, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi hơn 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su. Ngoài việc nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng nghèo, mục đích chính của dự án là giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; đồng thời, qua đó đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn.

 

Cô giáo trông dạy trẻ cho công nhân tại đội sản xuất 20. Ảnh: Nguyễn Giác
Cô giáo trông dạy trẻ cho công nhân tại đội sản xuất 20. Ảnh: Nguyễn Giác

Được xác định là cây đa mục đích (vừa là cây công nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp) nên việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là cơ hội để các địa phương còn khó khăn có bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội. Ngoài giá trị kinh tế, tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, giúp tăng thu nhập, làm giàu chính đáng cho nông dân, thì trồng cây cao su coi như trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc vì nó có tác dụng nâng độ che phủ… Hơn nữa, với việc phù hợp với nguồn nước, thổ nhưỡng, cây cao su cũng được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thu nhập từ 1 ha cao su mang lại cho doanh nghiệp khoảng 60 triệu đồng/năm, trong khi thu nhập từ trồng các loài cây khác thấp hơn. Chẳng hạn, thông mã vĩ  28 triệu đồng/năm; thông nhựa 20 triệu đồng/năm, bạch đàn 8,4 triệu đồng/năm...

Thay vì để người dân phải sống bên những cánh rừng nghèo, không có một khoản thu nhập kinh tế nào, thì việc triển khai dự án chuyển đổi này đã mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, giúp cuộc sống họ ổn định hơn, no ấm hơn.

 

Con em công nhân lao động Công ty Quang Đức trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác

Con em công nhân lao động Công ty Quang Đức trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác

Nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt và không sai lệch dự án, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nông nghiệp và PTNT) cũng như UBND tỉnh đã ban hành nhiều thông tư, quyết định, hướng dẫn, công văn… để điều chỉnh tình hình thực hiện dự án theo từng thời gian. Theo đó, về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có các Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21-8-2007, Thông tư số 07/2008/TT-BNN ngày 25-1-2008 ban hành, hướng dẫn một số nội dung cụ thể chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su cũng như quy định về cấp thẩm định, phê duyệt và tiêu chí rừng nghèo, rừng non phục hồi.

Để mở rộng diện tích chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su, ngày 3-3-2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Thông tư số 39/2008/TT-BNN về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hai Thông tư trên. Qua đó, quy định đất lâm nghiệp là đất trống đã được quy hoạch để trồng rừng sản xuất; rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất bao gồm cả rừng non phục hồi, rừng hỗn giao. Rồi khi thực hiện có quá nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị chuyển đổi nhanh chóng, Thông tư số 127/2008/TT-BNN ngày 31-12-2008 tiếp tục được ban hành thu hẹp phạm vi loại rừng chuyển đổi.

 

Công nhân Cao su Chư Pah làm việc tại lô sản xuất. Ảnh: Nguyễn Giác
Công nhân Cao su Chư Pah làm việc tại lô sản xuất. Ảnh: Nguyễn Giác

Với Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 9-9-2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hướng dẫn việc trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thẩm quyền quyết định trồng cao su trên đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất trong phạm vi cả nước; trồng cao su trên đất lâm nghiệp phải trên cơ sở quy hoạch phát triển cao su được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Về phía tỉnh Gia Lai, sau khi có chủ trương của Chính phủ, ngày 12-10-2007, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 119/TB-UBND, thông báo địa điểm, diện tích để khảo sát đất quy hoạch trồng cao su. Kế đến, UBND tỉnh có Thông báo số 3467/UBND-NL ngày 29-11-2007, Công văn số 974/UBND-NL ngày 10-4-2008 gửi các sở liên quan, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp để phân bổ lại và khảo sát bổ sung quỹ đất trồng cao su.

 

Bên cạnh đó, ngày 26-3-2009, UBND tỉnh đã có Công văn số 820/UBND-NL gửi Bộ Nông nghiệp và PTNN, đề nghị hướng dẫn rõ về một số nội dung liên quan đến Thông tư 127 và Thông tư 10 của Bộ Nông nghiệp và PTNN về việc lập hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNN ban hành Thông tư 58, ngày 11-11-2009, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 136/TB-UBND về việc phân bổ và giao diện tích, địa điểm cho các doanh nghiệp trồng cao su đến năm 2012.

Sau khi nhận phần đất được giao để thực hiện việc chuyển đổi theo đúng hướng dẫn cũng như sự chỉ đạo của các cấp, ngành Trung ương và của UBND tỉnh, điều quan trọng mà doanh nghiệp hướng tới là tuyển dụng lao động, nhất là người DTTS tại chỗ theo đúng cam kết ban đầu. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động trong các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay, hiện Gia Lai có 20 doanh nghiệp thực hiện dự án, diện tích đất đã trồng cao su tính tới thời điểm hiện tại là hơn 27.000 ha với số lao động đang làm việc thường xuyên trong vùng dự án là 5.500 người, trong đó có hơn 2.100 lao động đã được tuyển dụng dài hạn và gần 3.400 lao động thời vụ.

Công tác tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm việc dài hạn trong các dự án cũng đạt những kết quả tích cực với hơn 1.500 người, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, giúp họ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các địa phương cũng tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương; đồng thời luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục.

Theo Báo Gia Lai