Hứa hẹn từ mô hình nuôi cá chẽm

29/10/2013 07:22 AM


Thời gian qua, mô hình nuôi cá chẽm của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Đak Lak (do Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai đã và đang mang lại nhiều hứa hẹn mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thời gian qua, mô hình nuôi cá chẽm của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Đak Lak (do Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai đã và đang mang lại nhiều hứa hẹn mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cá chẽm là loài cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi do cá có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn nên là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa đối tượng, sản phẩm và hạn chế rủi ro.
 

Ảnh: Bá Thăng
Ảnh: Bá Thăng

Từ thực tế trên, năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT Đak Lak đã phê duyệt đề án nuôi thử nghiệm cá chẽm trên địa bàn tỉnh với nguồn giống thuần từ môi trường nước lợ tự nhiên sang nuôi nước ngọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá trên địa bàn. Thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP), tỉnh đã triển khai đồng loạt 12 mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chẽm tại xã Cư Ni (huyện Ea Kar), xã Quảng Tiến (huyện Cư M’Gar) và xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trong thời gian từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013. Mỗi mô hình được đầu tư, hỗ trợ 100% về nguồn cá giống, thức ăn viên tổng hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi hiệu quả; kết hợp với việc tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, tuyên truyền trên kênh thông tin đại chúng… nhằm giới thiệu đến người dân trong vùng dự án nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.

Gia đình anh Nguyễn Văn Toại, ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar nuôi thử nghiệm hơn 1.700 con cá chẽm trên diện tích 700 m2, sau 8 tháng thực hiện dưới sự giám sát, hướng dẫn cụ thể của các kỹ thuật viên chuyên ngành thủy sản tỉnh, kết quả cho thấy, cá phát triển rất đồng đều, trọng lượng bình quân đạt 0,8-1 kg/con, nếu trừ đi phần vốn đầu tư của Dự án ACP (mỗi mô hình là 30 triệu đồng) thì gia đình anh thu lãi hơn 20 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của anh, người nuôi cần cải tạo ao kỹ, diệt hết cá tạp, đảm bảo hệ thống bờ ao không bị rò rỉ cá ra ngoài. Thức ăn cho cá chẽm là cám viên tổng hợp có bán sẵn trên thị trường như thức ăn của các loại cá khác nên rất thuận lợi cho người nuôi.

Tương tự, ông Nguyễn Thi Sách, thôn 4, xã Ea Kao người thực hiện mô hình thí điểm cho biết, cá chẽm là đối tượng nuôi mới được người dân trong vùng đánh giá rất cao bởi tính chất dễ nuôi, ăn tạp, ít bị bệnh, nhanh lớn và chất lượng thịt cá thơm ngon. Theo ông Sách, muốn cá chẽm phát triển tốt, tránh bị hao hụt thì phải giữ cho môi trường sinh sống ổn định, hạn chế tình trạng biến động nguồn nước, thì người nuôi mới thu được lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn-Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đak Lak chia sẻ: Việc triển khai thực hiện đề tài “Chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chẽm thâm canh tại địa bàn tỉnh” được đánh giá là rất thành công, cá sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 70-80%, rất phù hợp với địa bàn tỉnh, đã giúp người dân địa phương làm quen và tiếp cận với đối tượng nuôi mới. Đây được xem là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, do đó cần được nhân rộng để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Cá chẽm là loài cá có giá trị kinh tế, dễ nuôi do cá có khả năng chịu đựng được tốt với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn rộng nên là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân. Có thể nói, mô hình nuôi cá chẽm ở Đak Lak đang là giải pháp kinh tế hoàn toàn khả thi, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi. Tuy nhiên, do đầu ra của cá chẽm thương phẩm chưa ổn định, thị trường còn khá bỡ ngỡ với loại sản phẩm này. Do vậy để bà con nhân rộng mô hình này, trước mắt cần mở rộng việc liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tìm nguồn hỗ trợ vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm này.

Đak Lak được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đứng đầu khu vực Tây Nguyên với hệ thống thủy vực đa dạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã nuôi thành công nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, các đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống như trắm cỏ, trôi, mè, chép... (chiếm 80%) có giá trị kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

 

Theo Báo Gia Lai