Ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân

02/10/2013 07:50 AM


Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp-nông dân-nông thôn được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã 5 năm. Theo đó, các nguồn lực đầu tư góp phần thúc đẩy nông nghiệp-nông dân-nông thôn không ngừng phát triển.

Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp-nông dân-nông thôn được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã 5 năm. Theo đó, các nguồn lực đầu tư góp phần thúc đẩy nông nghiệp-nông dân-nông thôn không ngừng phát triển.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, tổng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn giai đoạn 2009-2013 trên địa bàn tỉnh hơn 18.000 tỷ đồng. Nguồn vốn trên tập trung đầu tư xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo đó, tỉnh đã đầu tư 40 công trình thủy lợi; cải tạo, nâng cấp 4.010 km đường giao thông; làm mới 94 km và nâng cấp 141 km đường dây điện trung thế, hạ thế; củng cố và xây dựng mới hệ thống chợ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Nguồn đầu tư trên góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ; đa dạng hóa ngành nghề, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế từng vùng.

Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn, nhất là sản xuất và phân phối điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản đã có bước phát triển nhanh và ổn định. Ước tính tổng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn năm 2013 đạt trên 3.346 tỷ đồng, tăng 3,85 lần so với năm 2008.

Lĩnh vực trồng trọt đã định hình được vùng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, mía, bắp lai… Tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp tăng dần từng năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 ha với nhiều loài thủy sản có giá trị như cá lăng, cá tầm…

Giá trị sản xuất các lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng nên tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2012 đạt trên 8.176 tỷ đồng, tăng 6,51% so với năm 2011 và phấn đấu năm 2013 đạt mức 8.847 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2012. Đặc biệt, các Chương trình 134, 135, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống được triển khai giúp nhiều hộ nghèo được hưởng lợi. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 19,93%, giảm 3,82% so với năm 2011…

 

Tuy nhiên, theo phân tích của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cơ cấu ngành nghề nông thôn phát triển chưa mạnh, chưa nhanh, sản phẩm làm ra còn sơ khai; trình độ tay nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức thấp. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Lê Văn Lịnh thì việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có nhưng mới ở dạng sơ khai. Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc và lúng túng.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu nói: Nghị quyết về nông nghiệp-nông dân-nông thôn hay nhưng không thực hiện được bao nhiêu vì không cân đối được nguồn vốn đầu tư do kinh tế khó khăn. Định suất đầu tư công, hạ tầng cơ sở nông thôn, nông dân giảm dần thì lấy gì đầu tư, hỗ trợ phát triển.

Điển hình, công trình thủy lợi Ia Mláh, Ia Lâu, Ia Mơr... chỉ cần thêm 100 tỷ đồng là hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác, song không thể thực hiện vì thiếu vốn nên hiện nay nước từ công trình chảy ra sông suối. Trung tâm dạy nghề đã được đầu tư xây dựng với hệ thống trang-thiết bị phục vụ dạy nghề nhưng không có thầy dạy nghề. Tác động của khủng hoảng tài chính khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp khó. Vì vậy, doanh nghiệp rất khó khăn khi tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, vấn đề quan trọng nhất của nông nghiệp-nông dân-nông thôn hiện nay là đất sản xuất. Vì vậy, để Nghị quyết 26 đi vào thực tiễn thì cần tập trung giải quyết có hiệu quả thực trạng này. Cùng với giải quyết tình trạng thiếu đất, tỉnh đã đề xuất với Trung ương tăng định suất đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cho nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó cần có cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên, tăng mức vốn đầu tư trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bổ sung nguồn nhân lực cho nông thôn; có chính sách và giải pháp củng cố, phát triển, nâng cao vai trò, vị trí của các loại hình hợp tác, nhất là hợp tác xã nông nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Theo Báo Gia Lai