Định hình vùng chuyên canh rau tại Đak Pơ
06/09/2013 09:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(GLO)- Xã Tân An và Cư An (huyện Đak Pơ) đang dần hình thành vùng chuyên canh cây rau bởi diện tích rau ở đây chiếm hơn 70% diện tích rau của cả huyện. Người trồng rau biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao giá trị sản phẩm.
(GLO)- Xã Tân An và Cư An (huyện Đak Pơ) đang dần hình thành vùng chuyên canh cây rau bởi diện tích rau ở đây chiếm hơn 70% diện tích rau của cả huyện. Người trồng rau biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao giá trị sản phẩm. Vụ mùa năm 2013, xã Tân An gieo trồng được hơn 3.035 ha cây trồng các loại, trong đó cây rau hơn 1.485 ha, chiếm gần 49% diện tích. Nghề trồng rau ở đây có từ rất lâu, ban đầu chỉ là trồng vài ba luống trong vườn để ăn, rồi nhu cầu của thị trường và kinh tế gia đình đã dần hình thành một vùng rau lớn của huyện. Những năm gần đây, rau xanh có giá, người dân trồng rau quanh năm và thoát nghèo nhờ nghề này.
Anh Đinh Quốc Vũ-thôn Tân Sơn, xã Tân An cho biết: “Gia đình có hơn 2 sào đất và đã trồng rau từ rất lâu rồi. Trước đây, từ thời cha mẹ tôi trồng rau nuôi chúng tôi lớn lên và bây giờ gia đình tôi vẫn đang phát triển kinh tế nhờ vào cây rau. Rau là loại cây trồng ngắn ngày, có nhiều loại rau chỉ trồng khoảng 1 tháng là cho thu hoạch giúp gia đình có nguồn thu hàng tháng. Do giá rau lên xuống hàng ngày nên lợi nhuận mang lại cũng khá bấp bênh. Bình quân mỗi sào rau nếu thuận lợi có thể thu được 4-5 triệu đồng”. Đang nhanh tay cấy những luống rau cải cạnh vườn rau của anh Vũ, chị Nguyễn Thị Loan cho biết thêm: “Gia đình không có nhiều đất, chỉ có khoảng 2 sào đất quanh nhà nên chỉ có thể trồng rau để phát triển kinh tế. Đất ở đây rất phù hợp với việc trồng các loại rau. Trước đây, giống rau không đa dạng, mỗi loại rau phải trồng phù hợp với từng thời điểm trong năm. Tuy nhiên, giờ có nhiều giống rau mới và có thể trồng quanh năm. Hồi trước, cái giống bắp cải này chỉ trồng được vào mùa lạnh nhưng hiện nay trồng vào mùa nào cũng được”. Cũng như xã Tân An, nhiều hộ dân xã Cư An đã gắn bó lâu đời với cây rau và đang là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Hiện toàn xã gieo trồng khoảng 650 ha rau các loại (chiếm gần 30% diện tích cây trồng của xã). Rau có thể cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa, mía. Nông dân làm rau tất bật quanh năm, hết làm đất, gieo hạt rồi chăm sóc, thu hoạch lứa này đến lứa khác. Rau ở đây rất đa dạng về chủng loại như su hào, cải bắp, cải xanh, xúp lơ, hành, ngò, mùi, xà lách… Rau sản xuất đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó. Việc trồng rau trở thành một nghề chính và dần hình thành vùng chuyên canh nên nhiều người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rau trong nhà lồng, mô hình Vietgap trên cây rau, rau an toàn, đưa nhiều giống mới, giống ngắn ngày hiệu quả kinh tế cao… Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã ý thức được việc trồng rau an toàn thông qua việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cũng như chuyển sang dùng các loại thuốc trừ sâu vi sinh để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giảm chi phí sản xuất. Hai xã Tân An, Cư An trở thành vựa rau lớn của huyện Đak Pơ và ngày càng được nhiều người biết đến. Ông Trịnh Viết Luận-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tạo thu nhập cao từ cây rau và hình thành vùng rau chuyên canh ở Đak Pơ hàng năm chúng tôi triển khai nhiều mô hình áp dụng khoa học tiên tiến trên cây rau, tập huấn kỹ thuật trồng rau hiệu quả và an toàn cho người dân. Do đó, nhiều mô hình trồng rau theo phương pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng đại trà trên vùng rau của 2 xã Tân An và Cư An, giúp người dân thu nhập ổn định và phát triển kinh tế gia đình bền vững từ cây rau.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...