Ươm mầm văn hóa cồng chiêng

12/08/2013 07:33 AM


(GLO)- Những đôi chân trần bé xinh nhịp đều theo vũ điệu cồng chiêng, những đôi tay hồng gõ nhịp điệu nghệ, những đôi mắt tròn xoe có ánh nhìn trong vắt… Đó chính là hình ảnh những cô bé, cậu bé người dân tộc Bahnar và Jrai trong buổi biểu diễn cồng chiêng dành cho thanh-thiếu niên học sinh hè 2013 tại thành phố Pleiku (Gia Lai).

New Page 1

(GLO)- Những đôi chân trần bé xinh nhịp đều theo vũ điệu cồng chiêng, những đôi tay hồng gõ nhịp điệu nghệ, những đôi mắt tròn xoe có ánh nhìn trong vắt… Đó chính là hình ảnh những cô bé, cậu bé người dân tộc Bahnar và Jrai trong buổi biểu diễn cồng chiêng dành cho thanh-thiếu niên học sinh hè 2013 tại thành phố Pleiku (Gia Lai).

Những “nghệ nhân” cồng chiêng nhí vừa lên 5 tuổi. Ảnh: Trần Dung
Những “nghệ nhân” cồng chiêng nhí vừa lên 5 tuổi. Ảnh: Trần Dung

Khi mặt trời vừa ló sau những tán cây của làng, lũ trẻ đã háo hức thức dậy chuẩn bị các dụng cụ để tới với buổi liên hoan cồng chiêng tại làng Văn hóa du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku). Tự hào trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, tay cầm chiếc chiêng nhỏ và gõ ra giai điệu âm thanh đầy mê hoặc, những đứa trẻ lên 5 lên 10 ấy bỗng chốc trở thành “nghệ nhân nhí” tài hoa giữa đại ngàn. Ngọn lửa âm nhạc truyền thống như ăn sâu vào máu thịt của những đứa con núi rừng, bởi thế, khi tiếng chiêng trầm hùng vang lên từ chính những cảm nhận rất đỗi hồn nhiên của lũ trẻ đã khiến người nghe không khỏi xúc động.

Khi âm thanh cồng chiêng vang lên, đội múa cũng hòa nhịp với bước nhảy truyền thống rất có hồn và thuần thục chẳng khác gì đội cồng chiêng của người lớn. Bé gái vừa múa dẻo vừa vui tươi, bé trai vừa có thần thái oai hùng vừa rắn rỏi như chính những chàng trai, cô gái của buôn làng. Qua những bài cồng chiêng đặc sắc như: Hòa tấu cồng chiêng mừng chiến thắng, mừng lúa mới; lễ hội đâm trâu, lễ pơ thi, lễ bỏ mả… các nghệ nhân nhí đều thể hiện rất tốt ý nghĩa của từng bài chiêng. “Chính âm thanh của cồng chiêng đã đánh thức được tâm hồn các em. Qua việc thưởng thức và tham gia vào đội hình cồng chiêng, các em sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng nghi lễ và tập tục của dân tộc mình. Rồi từ đó các em sẽ thấy yêu thích và giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc”-Anh Ksor Gat-Trưởng đoàn đội cồng chiêng nhí phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) chia sẻ.
 

 Những bài chiêng được thể hiện bằng những cảm nhận rất hồn nhiên. Ảnh: Trần Dung
Những bài chiêng được thể hiện bằng những cảm nhận rất hồn nhiên. Ảnh: Trần Dung

Hầu như những người con của buôn làng từ khi chập chững biết đi đã được thử sức mình với tiếng cồng, con chiêng. Thế nên, dù mới lên 5 tuổi nhưng Y Trung (làng Wâu-xã Chư Á-TP. Pleiku) đã chơi thành thạo rất nhiều bài chiêng của dân tộc Barnah. Hoàn thành xong bài chiêng dự thi của đội mình, Y Trung nép vào lòng mẹ, bẽn lẽn: “Con thích được cầm chiêng và gõ theo nhịp vì âm thanh của nó rất hay. Sau này lớn lên con sẽ đánh được những chiếc chiêng thật lớn”. Còn đối với H’Hông (13 tuổi- Làng Choet Ngol-TP. Pleiku) thì: “Em tham gia vào đội cồng chiêng của phường từ lúc lên 7 tuổi. Những bài chiêng đều ca ngợi buôn làng, kêu gọi mọi người lên rẫy, nhắc nhở mọi người phải biết yêu thương nhau và nhớ về nguồn cội. Mỗi lần làng có hội, trẻ em của làng đều được tham gia đánh cồng chiêng. Vì thế nên chúng em cũng biết đoàn kết với nhau hơn, biết tự hào với truyền thống của dân tộc mình hơn”.
 

Những chàng trai Jrai đầy đam mê với tiếng cồng chiêng.Ảnh: Trần Dung
Những chàng trai Jrai đầy đam mê với tiếng cồng chiêng. Ảnh: Trần Dung

Để ươm được những hạt giống cồng chiêng cho buôn làng mình, các già làng và những nghệ nhân cồng chiêng đã dồn hết tâm huyết, sự mong mỏi của họ vào thế hệ con trẻ. Sự đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ sẽ dẫn tới sự thờ ơ, hờ hững của con cháu đối với di sản cồng chiêng mà thế hệ tiền nhân đã tạo dựng. Đối với người Jrai, Bahnar thì tiếng cồng, tiếng chiêng là sự sáng tạo độc đáo, là hồn núi mang âm vang linh thiêng trong đời sống sinh hoạt. Luôn mang trong mình những trăn trở ấy, nghệ nhân cồng chiêng Rah Lan Aka-làng Choet II (phường Thắng Lợi- TP. Pleiku) vẫn ngày ngày đau đáu việc truyền dạy tài sản vô giá của cha ông lại cho thế hệ trẻ. “Mỗi lần nhìn thấy lũ trẻ hòa tấu những bài cồng chiêng, thấy chúng hiểu và biết yêu tiếng cồng chiêng của dân tộc mình, già thấy hạnh phúc lắm. Già cũng vui nhiều khi thấy bọn trẻ rất hào hứng với tiếng chiêng, dù chúng chơi chưa được giỏi nhưng đã mang được tinh thần của dân tộc mình”-Nghệ nhân Rah Lan Aka chia sẻ.
 

 Già làng hạnh phúc khi ươm được những hạt giống cồng chiêng cho dân tộc. Ảnh: Trần Dung
Già làng hạnh phúc khi ươm được những hạt giống cồng chiêng cho dân tộc. Ảnh: Trần Dung

Tiếng chiêng của những nghệ nhân nhí âm vang sưởi ấm cả buôn làng bằng những cảm nhận hồn nhiên của trẻ thơ. Mai đây, tiếng chiêng ấy sẽ lớn dần, vang xa và là nguồn tài sản bất tận, không chỉ của người Bahnar, Jrai mà còn của cả nhân loại.

 

Theo Báo Gia Lai