Thành phố Pleiku: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho năm học mới

09/07/2013 07:28 AM


Hơn 1 tháng nữa, năm học mới 2013-2014 sẽ chính thức bắt đầu. Nhằm đảm bảo yêu cầu dạy và học cho các trường trên địa bàn, UBND TP. Pleiku đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang-thiết bị.

Hơn 1 tháng nữa, năm học mới 2013-2014 sẽ chính thức bắt đầu. Nhằm đảm bảo yêu cầu dạy và học cho các trường trên địa bàn, UBND TP. Pleiku đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang-thiết bị.

Vì một số lý do khách quan nên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (làng Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) khởi công khá muộn (từ tháng 4-2013), tuy vậy công trình này hiện đang trong giai đoạn thi công nước rút với diện tích sàn 1.300 m2, diện tích xây dựng 650 m2 . Ngôi trường mới toanh này có quy mô 8 phòng học, 1 bếp ăn, 1 khu nhà hiệu bộ, tổng mức đầu tư 8,183 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu học cho trên 200 học sinh.

 

Trường Mầm non Tuổi Ngọc (làng Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) đang được gấp rút thi công. Ảnh: P.D
Trường Mầm non Tuổi Ngọc (làng Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) đang được gấp rút thi công. Ảnh: P.D

Ông An Văn Thức- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên AVT Gia Lai, đơn vị thi công,  cho biết: “Dù đang là mùa mưa nhưng Công ty vẫn khẩn trương triển khai thi công để đảm bảo hoàn thành vào ngày 30-10-2013 cho kịp tiến độ”. Theo thầy Nguyễn Chớ-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, đây là ngôi trường mầm non đầu tiên trên địa bàn xã Chư Á.

Trước đó, khoảng trên 300 học sinh mầm non xã này phải theo học ở Trường Mầm non Bông Sen (phường Thắng Lợi). Hiện trên địa bàn TP. Pleiku còn 4 xã, phường chưa có trường mầm non là Ia Kênh, Chư Hdrông, Đống Đa và Phù Đổng. Các địa phương này sẽ tiếp tục được UBND TP. Pleiku quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học mầm non trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Trường Sa, xã Trà Đa (TP. Pleiku) cũng là một trong 2 công trình được xây mới hoàn toàn để phục vụ cho năm học mới. Trường được thành lập nhằm giải quyết yêu cầu tách 2 bậc học tiểu học và THCS ở Trường Tiểu học-THCS Lê Văn Tám. Như vậy, khi xây dựng xong thì xã Trà Đa sẽ có đủ 3 bậc học đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngôi trường mang cái tên đầy ý nghĩa này được xây dựng với quy mô khá lớn gồm 10 phòng học và các hạng mục: đường, sân bê tông, hàng rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh… trên diện tích sàn 911 m2, diện tích xây dựng 467 m2; tổng kinh phí xây dựng 6,7 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của 500 học sinh. Vì công trình sẽ hoàn thành sau khi năm học mới đã bắt đầu được hơn 2 tháng nên tạm thời trường vẫn sẽ tuyển sinh ở Trường Tiểu học-THCS Lê Văn Tám, khi nào cơ sở vật chất hoàn thành thì học sinh sẽ chuyển sang nơi học mới.

Thầy Nguyễn Chớ cho biết thêm, cùng với 2 công trình nêu trên, kinh phí phân bổ cho mục đích tăng cường cơ sở vật chất cũng được dùng để đầu tư xây mới thêm 12 phòng học ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) và xây mới 8 phòng học cho Trường Mầm non Thủy Tiên (phường Yên Thế). “Nhiều năm qua, TP. Pleiku đã liên tục đầu tư cho việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học để đảm bảo yêu cầu dạy và học cho các trường, góp phần đáp ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo yêu cầu, cơ sở vật chất sẽ còn phải được tiếp tục đầu tư nhiều năm nữa. Với chủ trương dạy và học 2 buổi/ngày đối với bậc học mầm non, sắp tới gần như 100% các cháu học 2 buổi/ngày (có bán trú hoặc không có bán trú). Còn ở bậc tiểu học thì nhu cầu gửi con học 2 buổi/ngày của cha mẹ học sinh cũng rất lớn. Khi được học 2 buổi/ngày, học sinh có điều kiện học tập, rèn luyện tốt hơn, đồng thời giải quyết được vấn đề dạy thêm học thêm đối với bậc tiểu học.

Do vậy, từ nay đến năm 2015 và trong giai đoạn 2015-2020, TP. Pleiku vẫn sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường, phấn đấu để trên địa bàn thành phố không còn trường 2 cấp học là Tiểu học-THCS”-thầy Nguyễn Chớ khẳng định.

Cũng nằm trong mục tiêu dài hạn, nhiều trường trên địa bàn đã được đầu tư với mức kinh phí khá lớn để đạt chuẩn, nâng chuẩn, chẳng hạn như Trường Tiểu học Lê Quý Đôn với tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Một số trường học khác cũng được quan tâm về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học theo phương pháp mới “Bàn tay nặn bột” hoặc mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), “sao cho với các em “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, giảm áp lực tuyển sinh cho các trường khu vực trung tâm và đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới”-thầy Nguyễn Chớ chia sẻ.

Theo Báo Gia Lai