Giữ mãi hồn chiêng…

20/05/2013 06:50 AM


Để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và truyền dạy cồng chiêng cho học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai vừa mua về bộ chiêng. Với mong muốn tiếng chiêng sẽ ngân vang mãi mãi, việc cúng hồn chiêng đã được tổ chức theo lễ thức truyền thống, với sự góp mặt của nghệ nhân chỉnh chiêng nổi danh Nay Phai.

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và truyền dạy cồng chiêng cho học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai vừa mua về bộ chiêng. Với mong muốn tiếng chiêng sẽ ngân vang mãi mãi, việc cúng hồn chiêng đã được tổ chức theo lễ thức truyền thống, với sự góp mặt của nghệ nhân chỉnh chiêng nổi danh Nay Phai.

Nghệ nhân chỉnh chiêng Nay Phai cẩn thận đặt hai bộ chiêng trước vật hiến tế là gà trống và heo đực cùng hai ghè rượu. Bài cúng hồn chiêng bằng tiếng mẹ đẻ được nghệ nhân già cất cao giọng. Nước đầu của hai ghè rượu ngon hòa với tiết gà được nghệ nhân Nay Phai trịnh trọng bôi lên từng chiếc chiêng, đồng thời là những lời khấn-lúc này chỉ còn là những tiếng rì rầm chỉ mình ông nghe thấy. Lễ cúng hồn chiêng diễn ra ngắn gọn, nhưng đầy đủ các nghi thức. Nghệ nhân cho hay: “Hồn chiêng đã “sum họp” với xác chiêng rồi. Nếu không có lễ thức này, những chiếc chiêng chỉ là vật chất vô tri”.

 

Nghệ nhân Nay Phai bôi rượu hòa tiết gà vừa khấn gọi các Thần giữ cho chiêng luôn ngân vang. Ảnh: N.B
Nghệ nhân Nay Phai bôi rượu hòa tiết gà vừa khấn gọi các Thần giữ cho chiêng luôn ngân vang. Ảnh: N.B

Nghệ nhân cho biết thêm, âm thanh chính là linh hồn của cồng chiêng. Mất âm thanh, cồng chiêng sẽ không còn giá trị. Vì thế, chiếc búa được dùng để chỉnh chiêng cũng có thần linh riêng của nó, đó là thần Búa. Cũng vì thế, trong bài cúng gọi các vị thần, thần Búa là vị thần được gọi tên đầu tiên. Chỉ có thần Búa mới giữ được hồn cho chiêng, và chỉ có thần Búa mới có thể giúp cho người nghệ nhân có đủ sự kiên nhẫn, đôi tay khéo, đôi tai thính nhạy hơn người thường để lấy lại âm thanh cho từng chiếc chiêng lạc điệu.

“Có lần mình chỉnh chiêng cho một làng ở Krông Pa để chuẩn bị lễ hội, sửa cả tiếng đồng hồ mà chiếc chiêng vẫn “lì lợm” không tuân theo nhịp phách. Mình nghĩ, có lẽ đã làm phật lòng Yàng Búa nên lập tức lấy một ly rượu trắng khấn Yàng bỏ qua, tiếp tục phù hộ để mình hoàn thành công việc. Đúng là sau đó, mình đã chỉnh được tiếng cho chiêng”- nghệ nhân Nay Phai kể.

Trước khi làm lễ cúng hồn chiêng, nghệ nhân Nay Phai đã mất nhiều ngày chỉnh tiếng cho hai bộ chiêng (30 chiếc) để lấy lại âm thanh vang xa, chuẩn xác vốn có. “Mình lấy lại tiếng cho chiêng nhưng muốn giữ tiếng chiêng không hư, không phai, con người phải biết quý trọng nó. Khi người và chiêng hòa điệu với nhau, tiếng chiêng sẽ ngân vang không bao giờ mất đi “chiêng giữ hồn người, người giữ hồn chiêng”. Mình mong nhà trường sẽ sử dụng tốt hai bộ cồng chiêng này trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số”- ông nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Ly- Thư ký đề tài nghiên cứu khoa học “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai” của nhà trường cho hay, hai bộ chiêng trên được nhà trường mua tại Phước Kiều (tỉnh Quảng Nam) phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, đồng thời sử dụng làm công cụ truyền dạy cồng chiêng trong nhà trường thời gian qua.

Với kinh nghiệm chỉnh chiêng lâu năm, am hiểu về cồng chiêng, nghệ nhân Nay Phai được nhà trường mời đi để thẩm định giá trị của hai bộ chiêng. Cô Huyền Ly cho biết: “Học sinh người Jrai, Bahnar chiếm hơn 50% tổng số học sinh đang theo học tại các khoa, vì thế, giúp các em hiểu và ý thức rõ ràng về công tác bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là điều cần thiết. Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn sẽ thành lập được bộ môn âm nhạc cồng chiêng trực thuộc Khoa Âm nhạc Dân gian của trường.

Trước khi được truyền dạy cồng chiêng, học sinh còn được truyền đạt kiến thức liên quan đến cồng chiêng như: chuyên đề “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Cồng chiêng của người Jrai, Bahnar” do những người nghiên cứu văn hóa có uy tín biên soạn.

Hy vọng cùng với những nỗ lực của nhà trường sẽ góp một phần không nhỏ trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Theo Báo Gia Lai