Kông Chro nỗ lực giảm nghèo

07/05/2013 07:17 AM


Những ngày cuối tháng 4 chuẩn bị kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi xuôi quốc lộ 19 về thăm Kông Chro, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh được thành lập từ tháng 5-1988. Thấm thoát thời gian trôi qua 25 năm thế mà cứ ngỡ hôm nào, song ký ức đã để lại nhiều dấu ấn nỗ lực của toàn Đảng bộ và chính quyền nhân dân ở đây

Những ngày cuối tháng 4 chuẩn bị kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi xuôi quốc lộ 19 về thăm Kông Chro, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh được thành lập từ tháng 5-1988. Thấm thoát thời gian trôi qua 25 năm thế mà cứ ngỡ hôm nào, song ký ức đã để lại nhiều dấu ấn nỗ lực của toàn Đảng bộ và chính quyền nhân dân ở đây khi chung sức xây dựng huyện vượt qua khó khăn, thách thức...

Nhớ ngày đầu thành lập thị trấn huyện chỉ có lèo tèo vài ngôi nhà còn hầu hết là các công trình công sở đang xây dựng. Cán bộ về đây công tác phần nhiều đều có gia đình từ thị xã An Khê. Bấy giờ, từ An Khê vào Kông Chro chỉ có một con đường độc đạo cách nhau chưa đầy 30 km nhưng đầy ổ gà, ổ voi, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mù. Ấy thế mà đều đặn sau một ngày làm việc nhiều cán bộ vẫn nặng lòng gồng mình “cuốc” xe máy cọc cạch vài tiếng đồng hồ trở ra An Khê…

 

Bà con huyện Kông Chro thu hoạch điều. Ảnh: Đức Thụy
Bà con huyện Kông Chro thu hoạch điều. Ảnh: Đức Thụy

Kông Chro nay đã thay da, đổi thịt. Người người vào định cư ổn định lâu dài, thị trấn cũng sầm uất với việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Bây giờ vào Kông Chro đã có hai tuyến đường xương sống, một theo tỉnh lộ 667 và một theo đường Trường Sơn Đông đã trải nhựa phẳng lỳ, xe chạy cứ bon bon. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng với chúng tôi giải thích: Ngày trước nông sản làm ra, nông dân lo thu hoạch có bán được hay không, thậm chí còn bị chèn ép giá. Nhiều nông dân phải “bán lúa non”.

Thương lái thì ép giá, còn doanh nghiệp vào tận nơi thu mua nông sản cho nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự cạnh tranh, tranh mua tranh bán nghe cứ như xa vời với nông dân một nắng hai sương nơi vùng đất một thời mệnh danh “khỉ ho, cò gáy”. 25 năm tưởng như chớp mắt, Kông Chro đang phát triển giao thương trên nhiều lĩnh vực khi dễ dàng từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ vào cũng như từ huyện Ia Pa, Phú Thiện sang…

Chúng tôi về Kông Chro đúng vào một buổi chiều tình cờ có cơn mưa nhẹ hạt làm dịu bớt cái nắng gay gắt cuối mùa khô. “Cơn mưa vàng” mang đến cho những cánh đồng lúa vào vụ mùa, những cánh đồng dưa và mía đã bắt đầu xuống giống. Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung chia sẻ: “Trước tình hình cả nước bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhưng rất mừng là năm 2012 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện vẫn đạt 868 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), tăng 14,1% so với năm 2011.

Trong đó, lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt 410 tỷ đồng, công nghiệp-xây dựng đạt 272 tỷ đồng, dịch vụ đạt 186 tỷ đồng. Là địa bàn của một huyện đặc thù nông nghiệp, trong năm 2012 có tổng diện tích gieo trồng là 35.155 ha, các loại cây trồng chủ lực như lúa, bắp lai, mì, đậu, mía đều đạt diện tích ổn định. Riêng 3 tháng đầu năm 2013, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, nông dân đã xuống giống cây trồng đảm bảo diện tích.

Theo đó, bắp lai 266 ha, bắp địa phương 8 ha, đậu các loại 329 ha, dưa hấu 247 ha, mì cao sản 307 ha, mì địa phương 11 ha, mía trồng mới 667 ha, rau các loại 668 ha… Nhìn chung cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 42,59%, công nghiệp-xây dựng chiếm 36,39% và dịch vụ chiếm 21,02%”. Điều này minh chứng cho một điều từ một huyện nghèo có diện tích rừng lớn, nhiều hộ dân Kông Chro chỉ biết sống dựa vào rừng và tình trạng phá lâm sản diễn ra thường xuyên nhưng bây giờ biết hướng đến sản xuất nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng.

Mía và mì đã trở thành hai loại cây chủ lực góp phần rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo ở Kông Chro cũng như cả khu vực phía Đông Gia Lai. Hơn nữa, với khí hậu đặc thù, mùa nào thứ ấy, Kông Chro nhiều năm trở lại đây quan tâm đến việc trồng dưa hấu. Đã có vụ mùa nông dân trúng hàng trăm triệu đồng từ việc trồng dưa. Tuy nhiên, việc trồng dưa ít nhiều cũng còn bấp bênh do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và đến nay chưa có định hướng dự báo để trồng dưa thành loại dây leo thương phẩm.

Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, 13/13 xã, thị trấn của huyện Kông Chro đều đã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông ở các thôn, làng đã được nâng lên hàng năm tạo tiền đề cho việc giao thương hàng hóa dễ dàng. Trong năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ đạt 200 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2013 đạt 58 tỷ đồng; việc thu hút vốn đầu tư phát triển năm 2012 đạt 351 tỷ đồng (vốn ngân sách 79 tỷ đồng, vốn kinh tế ngoài nhà nước 160 tỷ đồng và vốn dân cư 61 tỷ đồng); 14 công trình thủy lợi và nhiều kênh mương nội đồng hàng năm phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất, tưới tiêu.

Các thôn, làng đều có chi bộ đảng, đến nay 1.663 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 33 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, 16 cơ quan đạt chuẩn văn hóa… Đấy là nhân tố tạo môi trường quyết định sự lãnh đạo thành công trong việc chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Kông Chro từ một huyện thuần nông có nhiều cơ hội tiến lên sản xuất hàng hóa…

Những đổi thay ở Kông Chro một lần nữa khẳng định sự nỗ lực thoát nghèo, là sự đoàn kết một lòng của toàn Đảng bộ và chính quyền nhân dân ở đây cho cả một hành trình vượt khó. Thật ấm lòng khi mỗi lần trở lại Kông Chro ta lại cảm nhận diện mạo mới.

Theo Báo Gia Lai