Hoàn thiện hạ tầng giao thông: Vấn đề cấp thiết
24/04/2013 01:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, Gia Lai có đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, nhưng một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại là hệ thống giao thông chưa được đầu tư tương xứng và thiếu đồng bộ.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, Gia Lai có đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, nhưng một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại là hệ thống giao thông chưa được đầu tư tương xứng và thiếu đồng bộ. Gia Lai nằm trên các trục quốc lộ 14, 19, 25 nối với các tỉnh xung quanh. Cụ thể là quốc lộ 14 nối với Kon Tum, Quảng Nam và Đà Nẵng về phía Bắc; nối với Đak Lak, Đak Nông và các tỉnh vùng Đông Nam bộ về phía Nam. Quốc lộ 19 nối với cảng Quy Nhơn (Bình Định) dài 180 km về phía Đông và các tỉnh Đông Bắc Campuchia, các tỉnh Nam Lào về phía Tây.
Quốc lộ 25 nối với tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh cũng đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại Sân bay Pleiku hàng ngày đều có các chuyến bay từ Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng-Hà Nội và ngược lại. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hệ thống giao thông của tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Với địa hình đồi núi nhiều, bị chia cắt, độ dốc của các tuyến đường lớn khiến các con đường vào mùa mưa bão thường bị sạt lở, lún, kết cấu mặt đường dễ bị phá hoại. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và từ cụm xã đến thôn, làng thường khá xa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn rất khó. Đường đất vẫn chiếm tới 54% hệ thống giao thông toàn tỉnh.
Hiện tại, nhiều tuyến đường xương sống như quốc lộ 14, 25 đang xuống cấp nghiêm trọng mà theo ông Trần Việt Hùng-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây chính là một trong những lực cản lớn nhất khiến công tác thu hút đầu tư của tỉnh suốt thời gian qua gặp khó khăn.
Bà Ui Nozomi- đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản-Văn phòng Việt Nam (JICA), phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II cũng cho rằng: “Để thu hút được đầu tư và ngày càng phát triển, cần xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường theo trục dọc nội vùng, trục ngang là giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh, Duyên hải miền Trung, vùng Tam giác phát triển, vùng bôxit. Nâng cấp nhanh quốc lộ 14 và 19”. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Hệ thống giao thông của Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng chưa phát huy khả năng kết nối nội tỉnh cũng như khu vực nên đã hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Thực tế trong những năm qua, mạng lưới đường bộ tỉnh Gia Lai đã được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng, phát triển đáng kể bằng nhiều nguồn vốn. Theo số liệu từ Sở Giao thông-Vận tải: Từ năm 2008 đến 2012, tỉnh đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn, trong đó ngân sách tỉnh hơn 470 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 400 tỷ đồng, dân đóng góp gần 70 tỷ đồng, nguồn khác hơn 180 tỷ đồng và ngân sách Trung ương gần 340 tỷ đồng… Nhờ đó đã xây dựng được gần 204 km đường bộ, nâng cấp gần 1.350 km, làm mới 30 cây cầu, 1.950 cống các loại. Hiện 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh xây dựng từ rất lâu, kết cấu mặt đường yếu, qua thời gian đã hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi đó, mật độ giao thông ngày càng tăng mạnh khiến hạ tầng giao thông lại càng nhanh xuống cấp. Rõ ràng việc hoàn thiện hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư là cấp thiết. Trước đó, tỉnh cũng đã có những giải pháp cụ thể để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; đình hoãn, giãn tiến độ những dự án kém hiệu quả để tập trung vốn cho những dự án có hiệu quả, hoàn thành trong thời gian ngắn.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...