Gia Lai dẫn đầu bảng xếp hạng PCI khu vực Tây Nguyên: Tín hiệu vui đối với doanh nghiệp
03/04/2013 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lần đầu tiên, Gia Lai dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với số điểm 56.50 và xếp vị trí 32 trên bảng tổng sắp. Rõ ràng, chúng ta có quyền hy vọng vào sự ổn định bền vững của vị trí này khi nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước cũng như so với các tỉnh bạn.
Lần đầu tiên, Gia Lai dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với số điểm 56.50 và xếp vị trí 32 trên bảng tổng sắp. Rõ ràng, chúng ta có quyền hy vọng vào sự ổn định bền vững của vị trí này khi nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước cũng như so với các tỉnh bạn. Trong đó, đáng mừng nhất là chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, sau nhiều năm tăng giảm không ổn định thì hiện tại, chỉ số này đã dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. Theo những người đứng đầu các doanh nghiệp (DN) dân doanh, đây là chỉ số rất quan trọng, nó phản ánh sự đánh giá của DN về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân; đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng DN tư nhân cũng như khả năng linh động, hỗ trợ DN của cán bộ tỉnh khi nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.
Ở chỉ số này, nếu năm 2007, Gia Lai đạt 5,86 điểm thì đến năm 2008 giảm xuống 5,71 điểm và đến năm 2009 giảm còn 5,48. Đến năm 2010, chỉ số này chỉ đạt… 3,12 điểm (xếp thứ 61/63 tỉnh thành) và bất ngờ lạc quan khi tăng lên 4,95 điểm vào năm 2011. Hiện tại, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh khi năm 2012, Gia Lai đã đứng đầu khu vực Tây Nguyên với 6,22 điểm, cao hơn vị trí thứ 2 là Đak Lak 0,66 điểm và cao hơn vị trí chót bảng khu vực Tây Nguyên là Kon Tum đến 4,28 điểm. Cùng với chỉ số về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chỉ số chi phí không chính thức năm 2012 của Gia Lai cũng tăng khá. Chi phí không chính thức được hiểu nôm na là chi phí “lót tay” của DN cho cơ quan công quyền, đo lường các khoản chi phí không chính thức mà DN phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của DN. Việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không, theo bảng xếp hạng, tại Gia Lai, qua khảo sát có 10,61% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 66,07% DN công nhận công việc chỉ được giải quyết sau khi chi trả chi phí không chính thức; gần 46% DN phải trả hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước.
Chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm 2012 cũng có bước đột phá với 4,21 điểm. So với năm 2011, chỉ số này đã tăng 0,8 điểm và chỉ thua địa phương dẫn đầu khu vực 0,2 điểm (Lâm Đồng dẫn đầu chỉ số này với 4,40 điểm). Trước kia, chỉ số có tên gọi là chính sách phát triển kinh tế tư nhân, dùng để đo lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho DN, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu-scụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho DN.
Theo bảng số liệu theo từng chỉ tiêu, năm 2012, có khá nhiều chỉ số thành phần của chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN tại Gia Lai cao hơn điểm trung vị và suýt soát điểm cao nhất. Theo đó, trong năm, số lượng DN sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại là 36,84%, cao hơn vị trí trung vị 19% (địa phương cao nhất là 70%). Có 43,48% số DN đã sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh, cao hơn vị trí trung vị 14% (địa phương đạt cao nhất là 56,67%). Tuy vậy, trong khi các địa phương khác cùng khu vực như Đak Nông, Lâm Đồng, Đak Lak có chỉ số về thiết chế pháp lý đang ngày càng cải thiện thì Gia Lai lại tụt xuống vị trí thứ 4 với 3,2 điểm, giảm đến 2,62 điểm so với năm 2011. Chỉ số thiết chế pháp lý đo lường lòng tin của DN tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, liệu các thiết chế pháp lý này có được doanh nghiệp xem là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương. Theo bảng phân tích, dễ dàng nhận thấy càng ngày, DN càng giảm tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ đất đai, tài sản, hợp đồng của mình; DN ngày càng ít tin tưởng rằng một cán bộ làm sai thì mình có thể đi khiếu nại; DN ít tin tưởng và ít sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng… Đây là điều tỉnh cần xem lại, cũng như cần chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng các chỉ số về đào tạo lao động, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước-là những chỉ số đang giẫm chân tại chỗ so với năm 2011.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...