Giảm thiểu tai nạn lao động, trách nhiệm của cả cộng đồng
26/03/2013 07:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người và bị thương 20 người. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động đa phần là do người lao động bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ quy trình làm việc, không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người và bị thương 20 người. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động đa phần là do người lao động bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ quy trình làm việc, không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân; còn người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phần lớn còn lơ là trong việc tổ chức huấn luyện an toàn lao động hàng năm. Đã nghèo còn bị mắc eo Chúng tôi đến thăm vợ, chồng Phạm Văn Sáu (SN 1966) và Phạm Thị Loan (SN 1970), ở xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) là công nhân thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông ngay sau lễ hưởng ứng Tuần lễ quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 15 năm 2013 của tỉnh vừa phát động tại huyện Chư Prông. Anh Sáu kể: Cách đây 3 năm, do một lần trèo lên mái nhà đội sản xuất để sửa lại mái tôn, do bất cẩn đã bị rơi xuống đất gãy chân phải, sụn cột sống, thương tật 31%. Vậy là chỉ trong phút chốc anh Sáu trở thành phế nhân. Anh không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm công nhân. Sau vụ tai nạn lao động này, anh được Nhà nước giải quyết chế độ thương tật mỗi tháng 420.000 đồng. Còn lại cuộc sống của gia đình giờ đây anh phải phụ thuộc tất cả vào vợ. Vợ anh cũng là công nhân, mỗi tháng thu nhập từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng, nuôi chồng và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học trong thời buổi này chẳng thấm tháp vào đâu. Vả lại hàng tháng còn dành dụm một khoản tiền để anh chữa bệnh. Anh Sáu ngậm ngùi: “Giá như tôi không bất cẩn thì cuộc sống gia đình tôi đâu đến nỗi khó khăn như hiện nay”.
Cũng giống như vợ chồng anh Sáu, anh Rơ Châm Pheng (SN 1985), làng La, xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) là công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông bị tai nạn lao động phải cắt đi chân trái. Ngậm ngùi trước nỗi đau này, anh Pheng kể: Cách đây 5 năm, sau một ngày làm việc đang trên đường về đi ngang qua suối thì bị xe mô tô ngã đè lên. Do không biết đi Bệnh viện ngay mà để ngày hôm sau mới được người nhà đưa vào Bệnh viện điều trị nên chỗ chân gãy bị hoại tử không chữa được nữa. Nghe bác sĩ nói chỉ còn một cách là cắt chân đi thôi. Thấy vậy tôi điếng cả người. Giờ đây việc đi lại của anh rất khó khăn, phải đeo chân giả nên không mang vác được vật nặng, mọi việc đều nhờ cả vào vợ. Sau khi anh Pheng bị tai nạn, việc làm công nhân cũng phải chuyển cho vợ. Cuộc sống đã nghèo lại còn gặp eo. Mất đi mạng sống Đến bây giờ, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1988)-nguyên là công nhân chế biến đường mật thuộc Nhà máy Đường An Khê vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau sự ra đi đột ngột của người con trai duy nhất trong gia đình. Theo nguồn tin, vào lúc 9 giờ 40 phút, ngày 25-11-2012, trong lúc băng tải bã J1-dây chuyền Nhật-phân xưởng đường của Nhà máy đang chuyển động đến cửa điều tiết bã, ở dây băng tải có khoảng trống kích thước 90 x 60 cm, bất ngờ anh Tùng bị trượt chân xuống cửa điều tiết bã và ngã vào băng chuyền nên đã bị kéo đi. Ngay lúc đó, công nhân Võ Văn Hòa đứng gần nhìn thấy Tùng bị trượt chân ngã xuống băng chuyền J1 vội cắt cầu dao điện để băng tải dừng hoạt động. Nhưng do bị cuốn qua cầu vượt khoảng 20 cm, anh Tùng nằm trong lòng máy băng tải, nên phần đầu hộp sọ bị va đập mạnh sưng nề, phần gò má thái dương trái có vết xây xước đa diện, da sưng nề. Sau khi tai nạn xảy ra, anh Tùng được đồng nghiệp đưa ngay vào Bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng, anh Tùng tử vong. Những vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm trong lúc đang làm việc như trường hợp của anh Tùng không phải là hiếm. Vào lúc 8 giờ, ngày 30-4-2012, trong lúc 7 công nhân của Công ty TNHH một thành viên An Văn Thức Gia Lai đang thi công san dọn mặt bằng phía Đông nhà điều hành sản xuất Chi nhánh Điện Đức Cơ, do không khảo sát kỹ nền móng và bờ tường rào kè đá cao 4 mét, dài 12 mét, bờ tường dày 0,35 mét thuộc phần tường rào của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ đã cho công nhân đào đất san dọn mặt bằng, do ở bờ rào, gần đó có bể nước, nước rò rỉ thấm ra tường rào kè đá và chân tường làm nhão đất, móng tường rào không vững chắc không có taly chống đỡ, đồng thời do tác động một phần của xe lu làm đường tuyến 2 cách công trình đang thi công khoảng 40 mét gây rung động dẫn đến bờ rào kè đá nặng bất ngờ đổ sập gây ra tai nạn lao động, làm 1 người chết ngay tại chỗ và 6 người bị thương nặng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động đau lòng kể trên là do nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về công tác an toàn-vệ sinh lao động chưa được chú trọng. Vì thế, chỉ cần sơ sẩy là có thể mất mạng. Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, khẳng định: Để ngăn ngừa và giảm số vụ tai nạn lao động đau lòng kể trên thì việc tuyên truyền và huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động là rất cần thiết, trách nhiệm này là của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng. Hàng năm các doanh nghiệp và người lao động, không chỉ triển khai rầm rộ khi diễn ra Tuần lễ mà công việc này phải làm tốt và thường xuyên cả năm, có như vậy mới thúc đẩy được việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động của các đơn vị vào trong quá trình sản xuất.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...