Hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục

25/03/2013 07:03 AM


Trong hai ngày (19 và 20-3), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong hai ngày (19 và 20-3), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo nhấn mạnh: Tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Gia Lai đã tích cực và chủ động hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Từ củng cố hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo, đến nay Gia Lai đã có một hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ các ngành học, bậc học, cấp học, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên.

Cả tỉnh có 834 trường học, trung tâm công lập và ngoài công lập với 361.685 học sinh, sinh viên; trong đó có 152.289 học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, 72 trường chuẩn quốc gia. Nhờ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, các lực lượng xã hội, các tổ chức quốc tế, nên cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hầu hết các trường THPT và THCS đã được tầng hóa và kết nối internet để ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, có phòng học ngoại ngữ, có sân chơi, bãi tập…

Đến nay, Gia Lai đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS; thực hiện phổ cập bậc trung học ở TP. Pleiku và 2 thị xã: An Khê và Ayun Pa, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập mẫu giáo cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. “Trong những năm học tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở các vùng trong tỉnh; xây dựng thêm 1 trường THPT Dân tộc Nội trú tại thị xã An Khê; đồng thời nâng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện từ 150 học sinh/trường lên 300 học sinh/trường; mở rộng các trường tiểu học, học 2 buổi/ngày và đầu tư xây dựng trường THPT chuyên của tỉnh ngang tầm khu vực và cả nước”- ông Phạm Ngọc Thạch cho biết.

 

Đến việc nâng cao chất lượng dạy và học

Hệ thống trường lớp ngày càng đồng bộ, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trong các độ tuổi, các hệ đào tạo. Theo đó, chất lượng giáo dục và đào tạo ổn định, số học sinh thi tốt nghiệp, học sinh giỏi quốc gia tăng đều hàng năm; tỷ lệ học sinh giỏi tăng đáng kể, đặc biệt tỷ lệ học sinh giỏi là người dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến rõ nét.

Hiện tượng thiếu tích cực trong học tập, trong thi cử đã được khắc phục, chất lượng giáo dục ngày càng được củng cố và đạt kết quả cao hơn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; vì vậy khoảng cách về chất lượng giáo dục và đào tạo giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước đã được rút ngắn.

Hiện nay, Gia Lai có một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ mạnh với 22.414 người, trong đó có 6 tiến sĩ, 280 thạc sĩ, 1 Nhà giáo Nhân dân, 31 Nhà giáo Ưu tú. Chất lượng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao ở các cấp học, cụ thể: giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn là 96,4%; giáo viên tiểu học là 98,2%; giáo viên THCS, THPT 99,8%.

Trong công tác giáo dục toàn diện và quản lý học sinh, sinh viên, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng và tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội đồng thời tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, công tác chăm sóc sức khỏe, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, trật tự học đường, giáo dục an toàn giao thông, phòng-chống bạo lực, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, dịch bệnh đối với học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, đã tiến hành lồng ghép triển khai hướng dẫn giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động giáo dục, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực từ internet, đặc biệt là trò chơi điện tử trực tuyến (game online) đối với học sinh. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều đã xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục ngoại khóa với nội dung giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống để học sinh có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân…

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Đào Trọng Thi- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Một trong những yêu cầu cơ bản của việc thực hiện chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp; trang-thiết bị và đồ dùng dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Vì vậy, ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai cần phối hợp với các ngành liên quan rà soát thực trạng, lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang-thiết bị dạy học phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai nên tập trung đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú để nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tạo ra nguồn nhân lực vững chắc cho tỉnh.

Theo Báo Gia Lai