Khuyến nông viên cơ sở không sống được bằng nghề

20/03/2013 07:22 AM


Chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân áp dụng vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng, vật nuôi.

Chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân áp dụng vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng, vật nuôi.

Đây được xem là nhiệm vụ của đội ngũ khuyến nông. Vì vậy, những năm trước tỉnh đã đào tạo đội ngũ 800 người làm công tác này ở các xã và nhiều làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đội ngũ này lần lượt bỏ việc. Đến nay khuyến nông viên cơ sở chỉ một số rất ít còn hoạt động, thay thế họ là những cán bộ chuyên trách cấp xã.

 

Nông dân tham quan mô hình lúa nước. Ảnh: N.D
Nông dân tham quan mô hình lúa nước. Ảnh: N.D

Là một tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên rộng lớn, lại có thế mạnh trong phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, do có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, tập quán canh tác lạc hậu theo phương thức truyền thống nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực.

Giải quyết khó khăn này, năm 2002 UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự án tổ chức khuyến nông viên cơ sở với kinh phí trên 4 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2002 đến 2005. Mục tiêu chính là đào tạo xây dựng mạng lưới khuyến nông viên cấp xã, làng vùng III với số lượng 832 người đáp ứng nhu cầu chuyển giao KHKT trong sản xuất vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Trong đó, tập trung chủ yếu là ngành trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, công tác thú y, bảo vệ thực vật. khuyến lâm, khuyến công. Những người này được lựa chọn từ cấp xã, đã qua đào tạo ngành nông-lâm nghiệp, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt sau khi đào tạo về phải tự nguyện làm việc lâu dài tại xã để phổ biến kiến thức giúp người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua 4 năm thực hiện dự án, cơ quan chuyên môn đã đào tạo được 832 người, tập trung tại một số huyện như: Đak Đoa 59 người, Chư Prông 72 người, Chư Sê 68 người, Đức Cơ 56 người, Kbang 122 người, Krông Pa 92 người… Lực lượng này được cấp chứng chỉ là khuyến nông viên cơ sở, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hợp đồng sử dụng với công việc chính là theo dõi hướng dẫn nông dân thực hiện các chương trình khuyến nông tại cơ sở.

Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về cây trồng, vật nuôi cho nông dân; giúp nông dân nắm bắt những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tham mưu UBND xã và Trạm Khuyến nông huyện xây dựng các mô hình khuyến nông trên địa bàn xã; tuyên truyền những chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp đến nông dân.

Nhớ lại những năm làm khuyến nông viên cơ sở, anh Đinh Đang, đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã Kdang-huyện Đak Đoa cho hay: “Năm 2003 mình được tuyển chọn và đào tạo tại Trường Lâm nghiệp Tây Nguyên, sau đó trở về phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân trong làng với những công việc chính như hướng dẫn sản xuất lúa nước, cà phê, cao su tiểu điền… dù mức phụ cấp chỉ 200 ngàn đồng/tháng.

Thời điểm này dân nhiều làng hưởng ứng học tập và làm theo. Thế rồi năm 2006, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở được trả về huyện, riêng mình thời đó không có phụ cấp vẫn đi làm để giúp đỡ dân. Hồi đó, khuyến nông viên cơ sở mạnh lắm được nông dân nhiệt tình hưởng ứng vì giúp ích cho dân làng áp dụng những tiến bộ KHKT đưa vào sản xuất góp phần tăng năng suất cây trồng”.

Qua 4 năm hoạt động, đội ngũ khuyến nông viên xã đã thể hiện được vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp hàng trăm hộ gia đình có điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất đại trà, nâng cao năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng đến năm 2006, lực lượng khuyến nông viên cơ sở được điều chuyển về cấp huyện quản lý sử dụng. Đây cũng là thời điểm lực lượng khuyến nông viên cơ sở được đào tạo căn bản này lần lượt “bỏ nghề” để chuyển sang nghề khác.

Vì sao nhiều người được đào tạo xong nhưng lại không theo nghề? Theo lý giải của nhiều người cũng như cơ quan chuyên môn là do chế độ đãi ngộ quá thấp. Thời điểm đó khuyến nông viên cơ sở cấp xã chỉ có 200 ngàn đồng/tháng, còn ở làng chỉ có 100 ngàn đồng/tháng. Không những vậy, sau khi đào tạo xong về xã làm khuyến nông viên cấp xã, nhưng sau đó lại chuyển xuống làng hưởng phụ cấp thấp hơn vì vậy đã không kích thích họ tham gia. Một số làm tốt công việc thì được điều động sang các chức danh khác.

Theo ông Phạm Ngọc Cơ- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang: “Nên đào tạo tại chỗ, thông qua việc lựa chọn nông dân chủ chốt xây dựng các mô hình trồng tiêu, cà phê, chăn nuôi… Người nông dân nhìn thấy mô hình hiệu quả thì tự tìm đến học hỏi để áp dụng vào vườn nhà mình.

Còn ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay: “Đội ngũ khuyến nông viên cơ sở rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp vì đây là bộ phận chuyển giao những tiến bộ KHKT sản xuất. Vì vậy, đòi hỏi phải bố trí phù hợp mới phát huy được vai trò là người chuyển giao những tiến bộ khoa học cho người dân sản xuất”.

Theo Báo Gia Lai