Kho tàng văn hóa dân gian của người Jrai
29/01/2013 07:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nằm trong danh sách được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Câu đố Jrai và Sử thi của người Bahnar Tơlô-huyện Kông Chro), Câu đố Jrai, hay nói chính xác hơn là sinh hoạt đố dân gian (người Jrai gọi là pơđao, mơđao…-N.V), là một hình thức giải trí đơn thuần nhưng mang tính trí tuệ cao.
Nằm trong danh sách được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Câu đố Jrai và Sử thi của người Bahnar Tơlô-huyện Kông Chro), Câu đố Jrai, hay nói chính xác hơn là sinh hoạt đố dân gian (người Jrai gọi là pơđao, mơđao…-N.V), là một hình thức giải trí đơn thuần nhưng mang tính trí tuệ cao. Tiếp xúc với loại hình tri thức dân gian này, chúng ta càng thêm hiểu, thêm yêu quý vẻ đẹp trí tuệ của người Jrai nói riêng và truyền thống văn hóa của tộc người bản địa ở Gia Lai nói chung. Là người dành nhiều thời gian và công sức cho văn hóa dân gian Jrai và Bahnar, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) dường như rất vui khi biết rõ mục đích của tôi. Anh cười và khẳng định: “Đến thời điểm này, theo tôi biết, trong 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, trừ người Việt, chưa có dân tộc nào sánh được với người Jrai về số lượng câu đố đã được sưu tầm, với khoảng trên 1.150 câu đố (sưu tập câu đố người Việt đến trước 1955 chỉ thể hiện khoảng 2.000 đơn vị câu đố-NV). Tồn tại độc lập với những đặc trưng riêng của một thể loại, không bị ràng buộc bởi tín ngưỡng đa thần, không lệ thuộc vào không gian và thời gian và các điều kiện khác, sinh hoạt đố Jrai có vị trí nhất định trong kho tàng văn hóa, văn học dân gian của tộc người này”.
Vẻ đẹp bình dị Dành thời gian để đọc hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn câu đố có mặt trong tập sách “Câu đố Jrai” (Nhà Xuất bản Đà Nẵng, năm 2008) do Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm, biên soạn, tôi không tránh khỏi những phút giây ngẩn lòng trước chiều sâu vẻ đẹp trí tuệ trong tâm hồn cộng đồng Jrai. Không khó có thể nhận ra việc người Jrai thường đố nhau về các vấn đề, khía cạnh liên quan đến cuộc sống hàng ngày, từ các loại cây, trái, con vật, đồ vật trong nhà, ngoài rừng, ngoài rẫy hay xung quanh buôn làng (như cây tre, mía, lúa, chó, gà…) đến chuyện đố nhau về sự ốm đau, bệnh tật, những sinh hoạt cá nhân. Trung thành với lối tư duy trực quan nhưng hết sức tinh tế, người Jrai đã sáng tạo nên hàng ngàn câu đố vừa ngộ nghĩnh vừa có chiều sâu, đủ sức gây nên bất ngờ và cả sự bối rối cho những ai mới được nghe đến nó lần đầu. Chẳng hạn, dưới con mắt người Jrai, cái hoa bầu hoa bí quen thuộc lại là “Buổi chiều là thanh niên/ sáng sau đã đau rũ”, quả dưa hấu và cái cuống dây của nó “Người nhỏ dắt trâu to”, cái cối giã gạo “No khóc, đói nín”, con cua tám cẳng hai càng thì lại là “Tám thanh niên khiêng đá, hai ông già đi không”. Không chỉ thế, những nếp sinh hoạt riêng, thường ngày cũng được phản ánh một cách sinh động trong câu đố. Ít ai trong chúng ta có thể nghĩ, trong quan niệm của đồng bào Jrai, “Ngày đói, đêm no” lại chính là cái nhà, “Người gầy đét, ở nhà dèn dẹt” là con dao và cái vỏ dao, “Ban ngày nó trẻ, ban đêm nó già” là cái chiếu được cuốn lại sau một đêm nằm ngủ, “Người ta, ai chả có lược” lại chính là đôi bàn tay… Tôn vinh nét sinh hoạt dân gian truyền thống Theo anh Nguyễn Quang Tuệ, sinh hoạt đố dân gian Jrai ở Gia Lai là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có từ lâu đời, nó không chỉ tạo ra và là một môi trường giải trí lành mạnh, giúp rèn luyện tư duy cho các thành viên trong cộng đồng mà ngày nay, thông qua đó, người ta còn có thể tìm hiểu được nhiều mặt của cuộc sống xưa. Không lệ thuộc vào không gian, thời gian, không bị ràng buộc bởi những kiêng cữ khi thực hành, sinh hoạt đố dân gian Jrai có thể diễn ra bất kỳ ở đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và không hề kén chọn đối tượng. Người ta có thể đố nhau qua lại khi tham gia lao động tập thể trên rẫy, dưới ruộng, tại nhà rông, nơi nhà ở hay ngoài chòi đựng lúa; người ta có thể đố nhau khi mùa mưa cùng đi bẻ bắp, lúc mùa nắng cả làng đi xúc cá; người già, trung niên, phụ nữ, thanh niên và trẻ em…, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia sinh hoạt đố một cách tự nhiên và thoải mái, nếu có khả năng. Chỉ cần có hai người trở lên, một sinh hoạt đố đã có thể được tiến hành. Tuy vậy, môi trường được cho là lý tưởng nhất đối với sinh hoạt đố Jrai vẫn là những dịp tụ tập đông người của cộng đồng (và thường là có uống rượu), ví như trước, trong và sau một lễ bỏ mả, một buổi cúng nhà rông, một cuộc liên hoan văn nghệ… Trong rộng dài câu chuyện với tôi, anh Tuệ dành nhiều thời gian kể lại quãng thời gian “ăn điền dã, ngủ điền dã” của mình cách đây gần chục năm về trước, khi anh để tâm và say mê với việc nghiên cứu, sưu tầm câu đố Jrai. Với anh Tuệ, việc sưu tầm câu đố Jrai khó hơn khá nhiều so với việc sưu tầm sử thi, truyện cổ, dân ca của dân tộc này. Ở mấy thể loại kia, người sưu tầm nếu chẳng may không biết nhiều về nội dung các tác phẩm mà người dân cung cấp thì anh ta vẫn có thể tiến hành công việc được nhưng đối với câu đố, kết quả của việc làm tương tự thường sẽ là thất bại. Người ra đố sẽ kém hào hứng nếu phải đối diện với một người sưu tầm “mù” về câu đố, hỏi câu nào cũng lắc đầu chịu thua nhưng lại luôn luôn cắm cúi ghi ghi chép chép. “Cuộc chơi đơn phương kiểu này sẽ sớm kết thúc mà không có một phép màu nào có thể cứu vãn được-anh Tuệ chia sẻ. Trong trường hợp đó, nếu may mắn, người sưu tầm cũng chỉ nhặt được những câu đố thông thường, đơn giản-vốn có rất nhiều, dường như ai cũng biết, bởi những câu đố hay, những câu đố hiểm hóc bao giờ cũng được người Jrai dành cho cuối trận. Vì vậy, để có thể trở thành “bạn chơi” của người đố, tốt nhất là người sưu tầm nên cố gắng trang bị cho mình một vốn liếng câu đố tàm tạm, sao cho không bị loại ra khỏi cuộc chơi ngay từ những lần “nắn gân” đầu tiên của đồng bào”. …Anh Tuệ chợt ngừng lời, im lặng một lúc lâu rồi anh nói với tôi những lời như đang tự nói với chính mình: “Ngoài sinh hoạt đố thông thường như vừa nêu, kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong sinh hoạt của đồng bào Jrai ở một số buôn làng còn có thêm hình thức hát đố. Việc diễn xướng câu đố Jrai này, nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể thực hiện được trước đám đông, trên sân khấu, giống như việc thi hát dân ca hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay, việc tìm hiểu, góp nhặt, biên dịch và làm cho thế giới bên ngoài biết đến câu đố Jrai mới bắt đầu những bước đầu tiên”. Nói rồi, anh bất ngờ đọc như hát cho tôi nghe một câu đố của đồng bào Jrai với nụ cười ý nhị kèm theo lời giải đố: “Là đồng bào Jrai đang nói về một người rất gần gũi với tất cả chúng ta đấy: Đah vai (đă muai) ga / Taha (tơha) khăp / Hiăp nhu arang tui” (dịch nghĩa: Trẻ em thích / Người già yêu/Lời nói ai cũng theo)…
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...