Tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh tế trọng tâm

28/01/2013 07:25 AM


Với mục tiêu đáp ứng vốn cho nền kinh tế thông qua mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, năm 2013, ngành Ngân hàng Gia Lai đưa ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ 14%. Vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực, ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh, trong đó ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Với mục tiêu đáp ứng vốn cho nền kinh tế thông qua mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, năm 2013, ngành Ngân hàng Gia Lai đưa ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ 14%. Vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực, ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh, trong đó ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Năm 2012 là năm các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều giải pháp tích cực trong huy động vốn tại địa phương, nhờ đó tỷ trọng nguồn vốn huy động tại chỗ trên tổng dư nợ tín dụng đã được nâng lên 52,5%. Trong khi đó, doanh số cho vay đạt 41.783 tỷ đồng (tăng 23,7%), doanh số thu nợ đạt 38.262 tỷ đồng (tăng 25,7%). Tăng trưởng tín dụng ở mức 12,8%, với tổng dư nợ hiện đạt 31.000 tỷ đồng.

 

Dư nợ cho vay một số ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh tăng khá như: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 14.274 tỷ đồng (tăng 58,7%); cho vay cà phê 4.033 tỷ đồng (tăng 74,7%); cao su 2.894 tỷ đồng (tăng 50%); hồ tiêu 1.085 tỷ đồng (tăng 98%); mía đường 509 tỷ đồng (tăng 23,8%), thủy điện 4.745 tỷ đồng… Ngược lại, các lĩnh vực không khuyến khích cho vay như: cho vay tiêu dùng đã giảm 66%, chỉ còn 273 tỷ đồng; bất động sản giảm 76%, còn 223 tỷ đồng.

Tỷ trọng dư nợ tín dụng trung dài hạn giảm, dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng làm tăng hiệu quả quay vòng vốn cho nền kinh tế. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực khuyến khích, do đó chất lượng được nâng lên. Tình trạng thiếu vốn được hạn chế, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vốn phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2012 đạt 12,9%. Trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,29%, công nghiệp-xây dựng tăng 16,35%, dịch vụ tăng 15,26%.  

“Bên cạnh việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Gia Lai đạt khá cao dù nền kinh tế vẫn trong tình trạng khó khăn. Tăng trưởng của Gia Lai có thể nói là đại diện cho các tỉnh Tây Nguyên, trong khi tính chung cả nước chỉ đạt là 5%”-ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá khi tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Gia Lai năm 2013 mới đây.  

Theo ông Tú, xử lý nợ xấu là vấn đề ngành Ngân hàng Gia Lai phải quan tâm. Đến cuối năm 2012, nợ xấu là 484 tỷ đồng, tăng 41,2% so cuối năm 2011 và chiếm tỷ trọng 1,56%/tổng dư nợ. Tỷ trọng nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước là 0,72% (giảm 0,52%); các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần là 0,9% (giảm 0,39%); Quỹ Tín dụng Nhân dân 1,62% (tăng 0,23%), Ngân hàng Chính sách Xã hội 1,01% (tăng 0,13%), Chi nhánh Ngân hàng Phát triển 15,4% (tăng 14%). Mục tiêu xử lý nợ xấu phải đi kèm với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Năm 2012 đánh dấu sự đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nhằm giúp doanh nghiệp tái cấu trúc về tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn, ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ) cho 111 doanh nghiệp với dư nợ 1.801 tỷ đồng. Thực hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 7.269 khách hàng (trong đó có 544 doanh nghiệp) với dư nợ 2.502 tỷ đồng.

Đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm cho 49.473 khách hàng (trong đó có 1.078 doanh nghiệp) với dư nợ được điều chỉnh là 14.874 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu và hội doanh nghiệp ngành xây lắp để nắm bắt tình hình hoạt động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi và kịp thời.

Ông Điền Hoàng- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Năm 2013, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn nên ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội để đảm bảo đầu tư tín dụng hợp lý, hiệu quả. Tăng trưởng tín dụng kết hợp cho vay phát triển kinh tế với cho vay phục vụ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chú trọng tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, cho vay về nhà ở…  

Đồng thời, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách khác nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.  Được biết, trong năm 2013, ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, dư nợ đạt khoảng 35.330 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 19.510 tỷ đồng, tăng 12%; kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ.

Theo Báo Gia Lai