Hàng ngàn gia đình ở Kbang thoát nghèo bền vững
07/01/2013 01:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Kbang là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh có 14.700 hộ với hơn 63.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Bahnar chiếm gần 52%. Năm 2012, huyện đã có thêm khoảng 1.000 hộ thoát nghèo, trở thành một trong những địa phương giảm được số hộ nghèo cao nhất tỉnh, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn khoảng 45,5% (theo tiêu chí mới) và trong những năm tới tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn sẽ còn giảm mạnh hơn. Có nhiều yếu tố tác động đến công tác xóa đói giảm nghèo của huyện, trong đó đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến với hộ nghèo được coi là “kênh” quan trọng và không thể thiếu được trong quá trình triển khai thực hiện xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Qua khảo sát thực tế, hầu hết số hộ nghèo ở Kbang không phải do thiếu đất sản xuất mà do tập quán còn lạc hậu, bà con không biết cách làm ăn và hơn nữa là thiếu nguồn vốn đầu tư. Nắm bắt được điểm yếu này, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tìm mọi phương án để cho các hộ nghèo tiếp cận và sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả nhất. Các tổ chức Hội-đoàn thể cơ sở được coi là “chân rết” trong hệ thống ngân hàng, đồng vốn được thông qua các tổ chức này để đến được với người dân. Trên cơ sở đó, có sự hướng dẫn và xây dựng phương án làm ăn đến từng hộ vay, trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng để phát huy hiệu quả. Phòng Giao dịch đã hình thành các điểm giao dịch đến tận xã, quy định ngày giao dịch cụ thể mỗi tháng một lần để dân biết thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Nhờ vậy, đồng vốn vay đến với người nghèo ngày càng nhiều và phát huy hiệu quả tích cực, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đạt trên 166 tỷ đồng với khoảng 10.000 hộ được vay theo 9 chương trình, bao gồm vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh-sinh viên nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường... Xã Đông là trong những xã tiếp cận với đồng vốn chính sách nhiều nhất, hầu hết số hộ nghèo là người Bahnar đều được vay vốn để phát triển sản xuất và số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều. Hiện nay cả xã chỉ còn 382 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ chưa đầy 30%-thấp nhất so với toàn huyện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Ông Đinh Êm, ở thôn 1 mới chỉ qua một lần vay vốn chính sách mà đã thoát nghèo một cách cơ bản. Năm 2011, gia đình ông vay 20 triệu đồng mua được 2 con bò lai sinh sản và còn lại một ít vốn mua giống mía cao sản, cải tạo lại đất để trồng mía trên diện tích 2 ha. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, 2 con bò cái lai lớn mạnh và sắp đẻ, 2 ha mía đã thu hoạch và bán thu lãi được hơn 60 triệu đồng. Ông nói: Nhà mình trước đây có đất sản xuất nhưng không biết cách làm ăn, chỉ đưa vào trồng những loại cây màu 1 vụ và có năm được, năm mất, cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Nay mình biết cách làm ăn rồi, tiền vốn vay đợt đầu của ngân hàng mặc dù chưa đến thời hạn trả nợ nhưng mình cũng đã trả đủ cả gốc lẫn lãi. Mình đang muốn được vay thêm 30-40 triệu đồng nữa để mua thêm đất trồng mía, mua thêm bò lai để nuôi...
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...