Thu ngân sách vượt mức 3.400 tỷ đồng

26/12/2012 07:27 AM


Năm 2012 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn khi nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức nội tại, thiếu vốn đầu tư hoặc khó tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ” đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn...

Năm 2012 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn khi nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức nội tại, thiếu vốn đầu tư hoặc khó tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ” đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn...

Tuy nhiên, vượt qua những rào cản thách thức đó, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 12,9%, trong đó nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,29%, công nghiệp-xây dựng tăng 16,35%, dịch vụ tăng 15,26% và nằm trong nhóm 28 tỉnh, thành phố hoàn thành dự toán thu ngân sách của năm.

 

Dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 được Trung ương giao là 2.888 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 3.400 tỷ đồng, tăng 512 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao. Để đạt và vượt con số trên là kết quả của tinh thần đoàn kết và nỗ lực phấn đấu của toàn tỉnh, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cơ cấu chuyển dịch kinh tế theo đúng hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2012, tỉnh thu ngân sách đạt hơn 3.400 tỷ đồng, đạt 117,7% dự toán Trung ương giao và 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, các khoản thu cân đối qua ngân sách là 3.240 tỷ đồng, đạt 112,2% dự toán Trung ương giao và bằng 100,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Xét về mặt bằng chung, bên cạnh các huyện như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Pa thu đạt dự toán thì vẫn còn một số địa phương thu không đạt chỉ tiêu do tác động từ chính sách miễn, giảm một số sắc thuế theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ và không khai thác được nguồn thu từ tiền sử dụng đất.

Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung ương 900 tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán Trung ương giao và 96,5% dự toán HĐND tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ nên số thu ngân sách của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, đơn cử như số thu các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ước giảm 50 tỷ đồng, Nhà máy Đường An Khê ước giảm 20 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên ước giảm 28,8 tỷ đồng do giải thể.

Tương tự, nguồn thu từ DNNN địa phương cũng bị giảm khi chỉ đạt 124 tỷ đồng, đạt 80% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, giảm 19,2% so với năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu do việc thực hiện chính sách giảm thuế, gia hạn thuế nên số thu từ nhiều doanh nghiệp giảm, đơn cử như các công ty lâm nghiệp ước giảm 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai không thu ở khu vực DNNN mà chuyển sang khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh nên làm giảm số thu lĩnh vực này 32 tỷ đồng.

Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 62 tỷ đồng, đạt 137,8% dự toán Trung ương giao và đạt 88,6% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 32,2% so với năm 2011. Nguyên nhân do các công ty ở khu vực này chủ yếu thu mua hàng nông sản, giá nông sản giảm so với cùng kỳ nên ảnh hưởng số thu của nhiều doanh nghiệp như Công ty Louis Dryfus Commodities Việt Nam ước giảm 18 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty OLAM Gia Lai ước giảm 2 tỷ đồng.

Đáng phấn khởi nhất trong kết quả thu ngân sách năm nay là nguồn thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.270 tỷ đồng, đạt 124,5% dự toán Trung ương giao và đạt 108,3% dự toán HĐND tỉnh, tăng 23,8% so với năm 2011. Có được kết quả này do ngành Thuế đã tích cực triển khai công tác thu hồi nợ đọng, thu phạt chậm nộp năm 2010 của một số doanh nghiệp với số thu 188,7 tỷ đồng và phát sinh số thu ở khu vực này của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai.

Bên cạnh đó, thu lệ phí trước bạ 177,5 tỷ đồng, đạt 94% dự toán Trung ương giao và đạt 89,6% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 10,4% so với năm 2011. Thu tiền sử dụng đất là 240 tỷ đồng, đạt 160% dự toán Trung ương giao và đạt 88,9% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 4% so cùng kỳ năm 2011 do nhiều dự án chậm triển khai. Song song với nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân theo Nghị quyết số 08/2011/QH13 và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.

Kết quả đã gia hạn 6 tháng thuế giá trị gia tăng cho hơn 1.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với số thuế khoảng 205 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 cho 96 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ với số tiền gần 1 tỷ đồng; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho 1.276 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổng số tiền được giảm là 63 tỷ đồng. Miễn thuế khoán, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 cho khoảng 13 ngàn đối tượng, với số tiền 6 tỷ đồng.

Năm 2013 được xác định là năm “bản lề” thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, đồng thời cũng là một năm được dự báo  còn nhiều khó khăn thách thức ở phía trước. Tuy nhiên, dự toán thu ngân sách đã đặt ra con số 3.600 tỷ đồng, tăng 5,88% so với năm 2012. Trong bối cảnh hiện nay đã đặt nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế nói riêng, các địa phương nói chung cần có những giải pháp đồng bộ, hướng đi thích hợp để hoàn thành và đạt kế hoạch chỉ tiêu được giao.

 

Theo Báo Gia Lai