Gia Lai: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội

13/12/2012 07:46 AM


Nhờ triển khai nhiều giải pháp và chính sách phù hợp, từ năm 2003 đến nay, Gia Lai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình thực hiện, mặc dù một số chính sách về thu hút đầu tư của Nhà nước có thay đổi nhưng các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp và chính sách phù hợp, từ năm 2003 đến nay, Gia Lai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình thực hiện, mặc dù một số chính sách về thu hút đầu tư của Nhà nước có thay đổi nhưng các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, khoáng sản… Gia Lai xác định rõ những lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là thủy điện, chế biến vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông-lâm sản, phát triển du lịch… Bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các chính sách về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư như: ưu đãi về giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với nhà đầu tư xây dựng nhà cao tầng, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, triễn lãm trong và ngoài nước… Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành Quy định về thủ tục, trình tự thời gian thụ lý, thẩm định các dự án đầu tư trong nước, nước ngoài, các thủ tục có liên quan sau khi cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Việc triển khai thực hiện quy định này đã được các doanh nghiệp trên địa bàn đồng tình hưởng ứng, thời gian thụ lý hồ sơ tất cả các cơ quan đều được tỉnh quy định rút ngắn xuống còn 50% so với luật định.

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai; ký kết chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Định, Phú Yên; tham gia nhiều hội nghị xúc tiến, đầu tư; ban hành Danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh để quảng bá và kêu gọi đầu tư cho địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh còn tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, của tỉnh về hành lang pháp lý cũng như giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã tiếp thu những phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và đề ra các giải pháp tháo gỡ, xúc tiến các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn theo hướng khuyến khích của tỉnh. Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết, hướng dẫn và trả lời một cách nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể về kinh tế-xã hội đến năm 2020, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch như: Quy hoạch nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; quy hoạch phát triển thủy điện; quy hoạch nhà cao tầng; xây dựng các cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch khoáng sản; các cơ sở chế biến gỗ; quy hoạch du lịch… Từ đó làm cơ sở để lập các danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong từng thời kỳ.

Những kết quả đáng khích lệ

Từ năm 2003 đến nay, cả tỉnh có 285 dự án đăng ký đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Trong đó, 275 dự án có vốn đầu tư trong nước đăng ký với tổng vốn đầu tư là 64.697 tỷ đồng (bình quân 235,26 tỷ đồng/dự án), chủ yếu vào các lĩnh vực: thủy điện, thương mại-dịch vụ, công nghiệp chế biến; 10 dự án của 5 nhà đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH Veyu, Công ty TNHH MTV Viet Euro Stone Gia Lai, Chi nhánh Công ty TNHH Olam, Công ty TNHH Louis, Công ty Cổ phần Đồng Xanh Gia Lai) đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 49,5 triệu USD.

Hiện tại, 189 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư là 47.063 tỷ đồng; 71 dự án đang triển khai, thực hiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định. Trong quá trình đầu tư, một số dự án đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng do nhà đầu tư không đủ điều kiện triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết nên UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 17 dự án và sẽ tiếp tục thu hồi 8 dự án trong năm 2013.

Mặc dù gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, nhưng các nhà đầu tư đã tích cực triển khai, hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động. Ở lĩnh vực công nghiệp: hiện có 64 dự án đầu tư thủy điện đăng ký thực hiện; 45 dự án đăng ký đầu tư vào chế biến vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản ; 15 dự án đầu tư vào chế biến nông sản; 9 dự án đầu tư ngành công nghiệp chế biến lâm sản và 16 dự án đăng ký đầu tư vào các ngành công nghiệp khác như phong điện, sản xuất phân vi sinh, hàng may mặc…

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Ở lĩnh vực trồng trọt, trước năm 2008 có 6 dự án đăng ký đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai Quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sau 4 năm triển khai thực hiện (2008-2012) đã đạt được những kết quả khả quan. Tổng diện tích đất đã lập dự án đầu tư, cho thuê đất trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 35.383,79 ha, bao gồm 16 doanh nghiệp với 52 dự án. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng mới 80% diện tích đất cho thuê, hầu hết các dự án thực hiện đảm bảo tiến độ, cây cao su phát triển, sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.

Có 47 dự án đăng ký vào lĩnh vực Thương mại-Dịch vụ như: siêu thị, khu du lịch sinh thái, bến xe, trường học, bệnh viện... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 Trung tâm mua sắm lớn là Siêu thị Co.op Mart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh và Siêu thị Vinatex thuộc Công ty TNHH MTV Thời trang dệt may Việt Nam. Ngoài ra còn một số siêu thị, nhà sách có quy mô nhỏ như siêu thị Phố núi, Daily Mart…

Ở lĩnh vực bất động sản, hiện Gia Lai có 16 dự án đầu tư với tổng vốn là 7.689 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Tài chính phát triển doanh nghiệ-FBS (dự án Khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng), Công ty Cổ phần Bất động sản VK Highland (dự án Khu đô thị Cầu Sắt, Khu dân cư Quân đoàn 3, Khu trung tâm thương mại Hội Phú), Công ty TNHH Vinh Quang I (dự án Khu dân cư Phượng Hoàng 1, Khu dân cư Phú An), Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Khu đô thị Suối Hội Phú, Trung tâm thương mại Pleiku)…

Nhìn chung, các dự án hoàn thành đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt đối với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo an sinh xã hội và mức thu ngân sách hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Gia Lai