Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số như một bộ môn: Thiếu sức hút với học sinh
13/12/2012 07:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Được đánh giá là giúp nâng cao chất lượng học tập của học sinh vùng dân tộc thiểu số, khiến các em mạnh dạn và tự tin hơn, song việc tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số như một bộ môn hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Được đánh giá là giúp nâng cao chất lượng học tập của học sinh vùng dân tộc thiểu số, khiến các em mạnh dạn và tự tin hơn, song việc tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số như một bộ môn hiện vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Chuyến khảo sát mới đây của Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII tại 3 huyện Phú Thiện, Chư Sê, Ia Grai đã cho thấy việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cần được tổ chức chặt chẽ hơn với sự nỗ lực của không chỉ của cá nhân học sinh, giáo viên mà còn của các cấp quản lý. Học sinh uể oải, thiếu hào hứng
Bất cập từ sách giáo khoa, đội ngũ, thiếu dụng cụ học tập, bố trí tiết học chưa hợp lý… là những nguyên nhân khiến nhiều học sinh dân tộc thiểu số-dù được học tiếng mẹ đẻ-vẫn chưa mấy mặn mà. Thầy giáo Nay Run-giáo viên lớp 4, người nhiều năm kiêm nhiệm việc dạy tiếng Jrai tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho biết: Từ ngữ trong sách giáo khoa (có 3 tập sách dành cho học sinh các lớp 3, 4, 5) sai khá nhiều, nhiều bài học có tranh ảnh minh họa không phù hợp, thiếu sinh động; sách học tiếng Jrai nhưng hình ảnh minh họa lại chung chung, chưa thể hiện hết nội dung bài học cũng như bản sắc trong trang phục, văn hóa Jrai. Ông Nguyễn Quang Thuấn- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Ia Grai cũng cho rằng sách giáo khoa (SGK) tiếng Jrai hiện được soạn theo phương ngữ Ayun Pa, có nhiều khác biệt so với phương ngữ các vùng khác khiến học sinh ở độ tuổi này khó hiểu bài. Học sinh vùng dân tộc Bahnar cũng gặp khó tương tự khi “tiếng Bahnar trong sách không giống tiếng Bahnar ở làng mình”. Thầy Ksor Alit- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, huyện Chư Sê thì đề xuất: “Nên đưa chuyện kể của dân tộc bản địa vào sách giáo khoa, như vậy học sinh sẽ thấy gần gũi, dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra cũng nên có bài hát bằng tiếng dân tộc. Học thì học tiếng dân tộc nhưng hát thì hát tiếng Kinh, tôi thấy cứ sao sao”. Cũng theo thầy Alit, hiện SGK tiếng Jrai và dụng cụ học tập đang thiếu rất nhiều, cần được cấp bổ sung. Trong khi đó, ông Trần Văn Chương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, phân tích: Tâm lý phụ huynh và học sinh thì thích học vì được học tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, do không bố trí được buổi khác vì phòng học có hạn, nhà trường phải bố trí học sinh học tiếng Jrai vào tiết 6. “Khi học sinh toàn trường ra về, học sinh học tiếng Jrai phải ở lại học, vì vậy tâm lý các em lúc nào cũng nôn nóng muốn ra về. Hơn nữa, lúc này các em cũng đã mệt mỏi sau 5 tiết học”. Chính vì vậy, đa số học sinh uể oải, không hứng thú với tiết học này. Một phương pháp bố trí tiết học khác cũng được ông Nguyễn Huỳnh Lâm-chuyên viên Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kông Chro, trao đổi, đó là dạy luôn 4 tiết/buổi học, không dạy vào tiết 5, tiết 6 hay ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, cách bố trí này cũng được đánh giá là nặng nề, khiến học sinh dễ ngán. Chưa kể, theo ông Đoàn Khánh Tín-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, hễ giá mủ cao su tăng thì… sĩ số học sinh nói chung và học sinh các lớp dạy tiếng dân tộc giảm (học sinh nghỉ học đi mót mủ cao su), đặc biệt là khi bố trí học vào thứ bảy. Có lẽ vì vậy mà theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo về kết quả học tập môn tiếng dân tộc của học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh, số học sinh xếp loại khá giỏi chiếm chưa đến 50%. Cũng theo phản ánh của các địa phương, đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc (đa số là kiêm nhiệm) tuy đều đạt chuẩn về trình độ sư phạm nhưng chưa được đào tạo về môn dạy học tiếng dân tộc mà mới chỉ được bồi dưỡng về phương pháp nên chất lượng đội ngũ còn nhiều hạn chế. Cần sự phối hợp từ nhiều phía “Trong khi những học sinh khác học mỗi tuần chỉ bấy nhiêu tiết, học sinh dân tộc phải học thêm 4 tiết/tuần thì chán là phải. Vì các em học mà chưa thấy tác dụng cụ thể. Sao không bố trí dạy tiếng dân tộc thiểu số vào tiết 1, 2”-đó là gợi ý của TS. Nguyễn Văn Chiến-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, khi bàn về những biện pháp “gỡ khó” cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Chiến, vấn đề đào tạo giáo viên tiếng Bahnar, Jrai còn nhiều bất cập. Từ năm 2007, Bộ giao cho Trường Đại học Tây Nguyên (Đak Lak) trách nhiệm đào tạo giáo viên tiếng Jrai trong khi Đak Lak là vùng dân tộc Ê-đê. Vì thế, Trường Đại học Tây Nguyên lại phải mời giáo viên ở Gia Lai sang dạy tiếng Jrai cho sinh viên Khoa Sư phạm, ngành Giáo dục tiểu học tiếng Jrai. Trong khi đó, giáo viên tiếng Bahnar cũng chưa được đào tạo như giáo viên tiếng Jrai mà chỉ được bồi dưỡng hàng năm. Trước thực trạng này, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thạch cho rằng, nếu có nhu cầu thì Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nên đề xuất mở ngành mới để đào tạo chuẩn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Qua chuyến khảo sát, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh- Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Văn phòng Quốc hội, cho biết sẽ ghi nhận và đề xuất lên Hội đồng Dân tộc Quốc hội để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc dạy tiếng dân tộc thiểu số. Ông Quỳnh cũng cho rằng trước mắt nên in thêm sách giáo khoa trong khi chờ chỉnh lý, tạo điều kiện giao lưu học hỏi giữa các giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số để trao đổi kinh nghiệm, thêm vào SGK những câu chuyện kể và những bài hát tiếng Jrai… Đặc biệt là “phải coi việc dạy tiếng dân tộc thiểu số là một môn học như tất cả những môn học khác” chứ không nên có tâm lý xem nhẹ, vì thế cần có giáo viên cơ hữu cho môn học này chứ không chỉ là kiêm nhiệm. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Chiến cũng đề nghị Sở Nội vụ năm học tới có biên chế “cứng” cho các trường có giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số để tạo tiền đề nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng dạy học. Tại buổi làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo và Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung, cũng chia sẻ quan điểm: Ngôn ngữ thể hiện văn hóa một dân tộc, vì vậy đội ngũ biên soạn SGK phải có kỹ thuật, am hiểu và gần gũi với người bản địa. Bên cạnh đó, phải xây dựng nguyên tắc nghiêm túc: Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc phải là người bản địa đã được đào tạo chuẩn để từ đó nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh, góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...