Gia Lai vui đón Bác Hồ
10/12/2012 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cách đây 66 năm, vào ngày 19-4-1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam-một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam-lần đầu tiên được tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đại hội đã vinh dự đón Thư của Bác Hồ với những lời dạy bảo ân cần và vô cùng sâu sắc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Lời thư của Bác như ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, như tiếp thêm sức mạnh thần kỳ của tinh thần đại đoàn kết cho các dân tộc Tây Nguyên. Từ đó đến nay, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, phải đổ bao mồ hôi, xương máu, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất trước quân thù, tỏ rõ tấm lòng thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng tin yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, lập được nhiều chiến công hiển hách trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nay Bác đã đi xa, nhưng những lời thư và hình ảnh của Bác vẫn sống mãi với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn thành kính, tin tưởng và dành cho Bác những tình cảm yêu quý và kính trọng nhất. Chính vì vậy, xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Pleiku, tỉnh Gia Lai là tâm nguyện thiết tha của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Và tâm nguyện đó đã được Đảng, Nhà nước đồng ý cho thực hiện.
Với vinh dự và trách nhiệm cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thành lập Ban Chỉ đạo công trình do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, với sự tham gia của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng. Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng Nghệ thuật công trình do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về xây dựng, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, điêu khắc của Việt Nam. Tỉnh đã thành lập Ban Quản lý xây dựng công trình và triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục về xây dựng cơ bản. Hội đồng Nghệ thuật đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều phương án thiết kế, nội dung, bố cục, kiểu dáng, chất liệu xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên để lựa chọn. Qua phân tích các phương án, Hội đồng Nghệ thuật đã quyết định chọn mẫu tượng Bác Hồ của Thạc sĩ, nhà điêu khắc Phạm Bá Đua-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; chọn mẫu bức phù điêu của nhóm Thạc sĩ điêu khắc Lê Lạng Lương-giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thể hiện, báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngày 21-9-2010, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về phương án xây dựng tượng đài. Ban Bí thư đã đánh giá cao việc triển khai các công tác chuẩn bị cho xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên của tỉnh và các bộ, ngành có liên quan. Ban Bí thư đồng ý chọn mẫu tượng Bác Hồ đứng một mình trong tư thế đang giao tiếp với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tay phải Bác giơ lên vừa phải, khoan thai, dung dị, thể hiện phẩm chất cao quý, vĩ đại nhưng rất gần gũi, bình dị của Người. Tượng Bác Hồ làm bằng chất liệu đồng, cao 10,8 mét, bệ tượng cao 4,5 mét. Phù điêu có chiều dài 58 mét, cao 11 mét, chất liệu bằng đá tự nhiên, với nhiều hình cánh hoa sen cách điệu, nội dung thể hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu, xây dựng và văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ban Bí thư nhất trí đặt Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku.
Ngày 3-10-2010, công trình được khởi công xây dựng để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV, chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI và chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đồng chí Nông Đức Mạnh-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đến dự, chỉ đạo việc xây dựng công trình. Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, đến nay công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai. Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong một quần thể các kiến trúc có diện tích 12,5 ha. Tượng Bác được làm bằng đồng tấm dày 5 ly, theo công nghệ ép tạo hình và hàn, là công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam; tượng cao 10,8 mét, trọng lượng 16 tấn; bệ tượng cao 4,5 mét, kết cấu móng bê tông cốt thép khoan cọc nhồi, ốp đá tự nhiên. Kết cấu tượng và bệ tượng được các nhà khoa học tính toán rất kỹ, công trình có thể chịu được động đất 7 độ rich te, gió xoáy cấp 12 và nhiệt độ đến 90oC không bị biến dạng.
Phía sau tượng Bác là bức phù điêu, chỗ cao nhất 11 mét, rộng 58 mét, diện tích 600 m2, bằng chất liệu đá tự nhiên của Thanh Hóa, với trọng lượng trên 1.000 tấn, được đặt trên bệ cao 1,5 mét. Phía trước bên phải Quảng trường là tháp đá bazan có chiều cao 12 mét, gồm 54 trụ đá bazan tự nhiên, biểu tượng đại đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Phía trước bên trái Quảng trường là Thạch thư Bác Hồ bằng tảng đá hoa cương cao 6 mét, rộng 3,5 mét, dày 2,5 mét, mặt trước khắc Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku ngày 19-4-1946. Hai bên sân lễ đài là hai dàn cồng chiêng gồm các chiêng bằng, chiêng núm là biểu tượng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại. Phía sau phù điêu là ngọn núi màu xanh với các loại cây cỏ được mô phỏng theo dáng núi Hàm Rồng là ngọn núi thiêng cao nhất ở cao nguyên Pleiku. Phía trước tượng Bác là cột cờ cao 25 mét, với lá Quốc kỳ trên 40 m2. Tượng Bác nhìn về hướng Đông Nam, trước mặt là quảng trường có diện tích 23.823 m2 với 205 ô cỏ. Tổng thể kiến trúc của tượng đài, quảng trường, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng cổ vật và tượng đài Anh hùng Núp đã tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật hoàn chỉnh của tỉnh.
Đây là một công trình sử dụng phần lớn vật liệu sẵn có của địa phương và huy động được sự đóng góp của toàn xã hội. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình là 230 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tượng Bác, bức phù điêu, sân lễ đài, xây dựng quảng trường, làm đường, vỉa hè, tháp đá, thạch thư, 2 dàn cồng chiêng, các ki ốt hình bát giác, đắp đồi, trồng các loại cây, hoa, cỏ, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước và kinh phí giải tỏa đền bù, trượt giá nhân công, vật liệu xây dựng… Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 198 tỷ đồng, huy động đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, địa phương, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh 32 tỷ đồng. Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được Bộ Xây dựng công nhận công trình đạt Huy chương Vàng chất lượng cao ngành xây dựng năm 2012; được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận công trình đạt 3 kỷ lục Việt Nam; được Hội Đá quý Việt Nam công nhận 2 danh hiệu nhất Việt Nam. Với ý thức xây dựng công trình cho nhân dân nên từ quy hoạch, thiết kế đến xây dựng đều tính đến việc phục vụ nhân dân. Nơi đây là địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, lịch sử quan trọng của tỉnh; là nơi vui chơi hàng ngày của nhân dân. Từ các lối đi đến các bậc tam cấp, các bó vỉa, các viền bồn hoa, gốc cây, các đôn đá đều là nơi cho mọi người có thể đi dạo và ngồi nghỉ; có các ki ốt bán hàng lưu niệm, chụp ảnh cho du khách, có nơi giải khát, đánh cờ, ngắm cảnh, có đường đẩy xe lăn cho người tàn tật đến với Bác; có nơi cắm trại cho các cháu thanh-thiếu niên, học sinh; là nơi có đủ điều kiện để tổ chức nhiều sự kiện cùng một lúc… Công trình là nơi giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, cũng là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường sống cho mọi người; là vườn bách thảo với nhiều loại cây cỏ và nhiều vật liệu xây dựng độc đáo của địa phương…
Có thể nói, công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Các hạng mục của công trình được thực hiện bằng lao động trực tiếp của con người. Từ hòn đá đến cây xanh, từ lối đi đến ô cỏ, bồn hoa, bậc đá, nét hoa văn, hình dáng, tầm vóc của công trình là sự quy tụ, là kết tinh của tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo và bao tâm huyết của các nhà khoa học, của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương; của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, của các nghệ nhân, già làng của tỉnh; của những khối óc sáng tạo và bàn tay lao động cần cù, tài hoa của các kỹ sư, nghệ nhân, của những người thợ; là trái tim, tình cảm gửi gắm tất cả vào công trình kính dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu; là trách nhiệm đối với Đảng, đối với Bác Hồ, đối với quê hương, đất nước, đối với sự trường tồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, sự trường tồn của những giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Tây Nguyên. Mong muốn cháy bỏng của Bác trước lúc đi xa là được vào thăm miền Nam, nhưng do đất nước đang còn chiến tranh chia cắt, Bác tuổi cao sức yếu nên chưa thực hiện được. Song miền Nam luôn ở trong trái tim của Bác và Bác luôn ở trong trái tim của nhân dân miền Nam. Bác là linh hồn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, là ý chí, là niềm tin, sức mạnh, là kết tinh của những phẩm giá cao quý, là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Dân tộc Việt Nam rất tự hào có Bác Hồ và chính Bác đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam ta. Hôm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên rất vui mừng đón Bác về với Gia Lai, về với Tây Nguyên. Để hàng ngày các cụ phụ lão, các cháu thanh-thiếu niên, các lực lượng vũ trang, cán bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được quây quần bên Bác; để báo cáo với Bác về những băn khoăn, trăn trở của cán bộ, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kính dâng lên Bác những thành công trong công việc… đồng thời nghiêm khắc nhận trước Bác về những khuyết điểm, yếu kém, sai lầm để khắc phục, sửa chữa; để Bác tiếp thêm dũng khí, nghị lực, sức mạnh và niềm tin cho chúng cháu tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, để chúng cháu vững bước đi tiếp con đường lý tưởng mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam ta đã lựa chọn; quyết tâm phấn đấu để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như hoài bão của Người. Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên mang ý nghĩa sâu sắc về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa, là món quà của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dành cho Tây Nguyên, thể hiện tấm lòng của Đảng, Bác Hồ đối với Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Có được công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên như hôm nay, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xin cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cảm ơn các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, ngành Điêu khắc Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, các tỉnh Tây Nguyên; trân trọng cảm ơn những đóng góp quý báu của các nhà khoa học trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, cơ khí, nông-lâm nghiệp; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các lực lượng vũ trang của Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh; cảm ơn các nhân sĩ, trí thức, các già làng, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp về vật chất và tinh thần vào công trình; cảm ơn các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, các đơn vị thi công công trình...; trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã kịp thời đưa tin, giới thiệu về sự kiện này. Vinh dự, tự hào với công trình văn hóa đầy ý nghĩa này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trân trọng coi đây là báu vật của tỉnh và xin hứa với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ nâng niu, gìn giữ, phát huy hết giá trị, ý nghĩa của công trình vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để cho công trình trường tồn, sống mãi với thời gian.
Phạm Thế Dũng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...