Nỗ lực thoát nghèo Bài 1: Chuyện những người “rũ” nghèo
23/11/2012 07:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo số liệu thống kê, ước đến cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới tỉnh ta giảm còn 20,7%, tương đương với 60.740 hộ nghèo. Để có được kết quả này, liên tục trong nhiều năm qua, bằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên của những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện những điển hình trong quá trình thoát nghèo.
Theo số liệu thống kê, ước đến cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới tỉnh ta giảm còn 20,7%, tương đương với 60.740 hộ nghèo. Để có được kết quả này, liên tục trong nhiều năm qua, bằng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên của những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện những điển hình trong quá trình thoát nghèo. Trong đó phải kể đến TP. Pleiku và thị xã An Khê. Hiện TP. Pleiku tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 1,07%, tương đương với 510 hộ nghèo và thị xã An Khê tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 3,21%, tương đương với 571 hộ nghèo.
“Cuối năm nay nhà tôi sẽ thoát nghèo” Vừa nhóm lửa từ cái bếp xập xệ lên, bà Đoàn Thị Đức (60 tuổi, tổ dân phố 10, phường An Bình, thị xã An Khê) niềm nở đón chúng tôi trong ngôi nhà xây sáng đẹp bằng nụ cười hiền hậu. Bà xởi lởi: “Hai vợ chồng tui làm thợ hồ, chắt chiu mấy chục năm nay mới cất được ngôi nhà chừng 60 m2 thế này. Chứ trước kia, nhà vách đất chật chội mà có đến 10 người ở. Mỗi khi trời mưa gió bão bùng là cứ phải thức để “trực chiến” lỡ đâu nhà sập thì xoay sở không kịp. Cái bếp kia là nhà cũ đó, nhà dột khắp nơi, khổ lắm chú ạ”. Tiếp lời vợ, ông Võ Trĩ (66 tuổi) tâm sự: “Nhà tôi chỉ có mảnh đất này để cất được cái nhà, chứ không có đất làm vườn như người ta. Mà làm thợ hồ thì cũng bấp bênh lắm, không có ổn định”. Hỏi ra mới biết, vợ chồng ông Trĩ, bà Đức là hộ nghèo “có số” ở đây. Nhà có 8 người con, thì đã có 5 người con lớn nên gia thất nhưng hoàn cảnh cũng chẳng khá khẩm hơn nhà ba má là bao. Còn 3 người con nhỏ, em học lớp 9, em lớp 12 còn một em đang là sinh viên năm nhất một trường Cao đẳng ở Phú Yên. Nhắc đến câu chuyện đứa con trai đi học ở Phú Yên mà bà Đức không khỏi nghẹn lời: “Thằng bé nó thích học lắm, có giấy báo nhập học là nó nhảy cẫng lên sung sướng. Nhưng nó đi được nửa tháng thì lại bỏ về, nó bảo vì nhà không có tiền, nuôi nó học sẽ khổ lắm, nên nó muốn bỏ, ở nhà đi làm phụ hồ với ba nó. Vợ chồng tui với bạn bè nó, cả cô giáo nó ở Phú Yên cũng gọi điện động viên cho nó đi học tiếp rồi nó mới chịu đấy chú ạ”. Đôi vai gầy của ông bà bây giờ phải nuôi đến 4 miệng ăn ở nhà và mỗi tháng gửi cho cậu con trai là sinh viên hơn 1 triệu đồng. Dù rằng, ở cái tuổi 66, ông Trĩ đã không ít lần khụy xuống vì bệnh tật của một lão nông. Rằng bà Đức cũng đến cái tuổi bế cháu hưởng an nhàn nhưng vẫn phải còng lưng còm cõi kiếm từng đồng nuôi con. Nhưng ẩn khuất trong đôi mắt hai con người ấy, là một niềm tin vào tương lai của con cái, niềm tin rằng một ngày không xa con cái họ sẽ không phải khổ như ba má trước kia. Như họ đã từng tin vào một ngày vứt bỏ cái “mác” hộ nghèo. Bởi sau những gì họ đã trải qua, sau những giọt mồ hôi, những đôi lưng còng, suốt những năm dài nhịn ăn, nhịn mặc, họ cũng đã tự tin mà rằng: “Cuối năm nay nhà tôi sẽ thoát nghèo”.
Chuyện hai người... đàn bà Vừa cất tiếng khóc chào đời khi lọt lòng mẹ, chị Nguyễn Thị Nở (40 tuổi, tổ 13, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã rơi vào cảnh mồ côi. Rồi chị được mẹ nuôi Cao Thị Ngăn (SN 1928) mang về nuôi cũng từ thuở đó. “Chồng má Ngăn mất từ trước đó, má thương tôi bị bỏ rơi nên đưa về nuôi. Nhưng rồi đến năm chị 14 tuổi, má Ngăn của chị bỗng nhiên bị mù, không thể làm được gì nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà. Từ đó, hai cô thiếu nữ tần tảo nuôi nhau và người má mù. Rồi người con ruột của má Ngăn đã đi lấy chồng, chỉ còn chị Nở và người má mù trong ngôi nhà lụp xụp vách đất. Tuổi thanh xuân, nhiều chàng trai đã đem lòng yêu cô Nở nhỏ nhắn xinh đẹp. Nhưng rồi, không ai dám tiến tới, vì không ai dũng cảm gánh vác thêm người má mù của cô gái đã quá nghèo ấy. Nhưng với chị, dù đói, dù nghèo thì má Ngăn vẫn là động lực lớn nhất với chị, để chị không cảm thấy cô đơn, để chị bước tiếp trong cuộc sống. “Hàng ngày, tôi đi làm thuê, tỉa bắp, cuốc cỏ… để kiếm tiền mua gạo. Nhưng nhiều khi không đi làm được, bà con chòm xóm cũng thương, người đi qua cho ký gạo, người cho cân thóc, con gà… cho hai má con. Nhiều lần má bị lao, phải đi chữa bệnh cũng cực lắm. Nhưng thương má, tôi cứ phải cần cù, túc tắc kiếm ăn từng bữa, vì má không chỉ là ân nhân của cuộc đời tôi, mà còn là một người má thực sự”-chị Nở tâm sự. Không phải là chị Nở không nghĩ cho tương lai, khi chị đi làm xa, ai sẽ ở nhà coi sóc người má già mù lòa, nặng tai? Hoặc khi chị đổ bệnh, chẳng lẽ hai người đàn bà ôm nhau trong cái đói khát?! Vì thế, cách đây 6 năm, chị “xin” một người đàn ông một người con. Đứa con trai ngày ấy lớn lên giữa gia đình của hai người đàn bà nghèo khó, mỗi khi hỏi về ba, nó chỉ nhận được câu trả lời: “Ba con mất rồi”. Cậu bé tên Nguyễn Ngọc Sinh ấy giờ đã bắt đầu cắp sách đến trường học lớp 1. Và giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ kiên cố, chính cậu bé Sinh lại là niềm tin và hy vọng của hai người đàn bà. Người bà mù chưa hề một lần thấy mặt cháu, chỉ hình dung hình hài cháu qua bàn tay gầy guộc ở cái tuổi 84 cũng đã đủ nhoẻn miệng cười nhân hậu. Người mẹ mỗi lần âu yếm nhìn con trai lại thấy hạnh phúc với tổ ấm bé nhỏ, dường như với người đàn bà chân chất ấy, hạnh phúc chỉ có thế.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...