Ngành Ngân hàng: Cam kết hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp

14/11/2012 07:36 AM


Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh về việc hỗ trợ vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp ngồi lại với nhau để đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu và cam kết cụ thể…

Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh về việc hỗ trợ vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp ngồi lại với nhau để đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu và cam kết cụ thể…

Thời gian qua, tình trạng ách tắc vốn vay sản xuất kinh doanh vẫn xuất phát từ điều kiện vay vốn, trong đó chủ yếu là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. Khó khăn chồng chất khi vừa thiếu vốn, vừa không giải quyết được đầu ra, hàng tồn kho lớn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí có những doanh nghiệp không cầm cự nổi phải tạm dừng hoạt động.

 

Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank.    Ảnh: N.G
Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank. Ảnh: N.G

Về phía ngân hàng, vốn ứ đọng, không cho vay được vì sợ rủi ro, dẫn đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp, hiệu quả kinh doanh giảm… Trước tình hình đó, việc cam kết đa dạng hóa tài sản thế chấp được coi là giải pháp căn cơ vừa tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng và kịp thời, ngân hàng lại linh hoạt hơn trong cho vay.

Theo tính toán, 2 ngành hàng lớn là nông sản và xây dựng cơ bản đang vào mùa cao điểm, vốn đầu tư rất lớn. Riêng Hội Nông sản của tỉnh, nhu cầu về vốn lưu động cho niên vụ 2012-2013 khoảng 500 triệu USD, tương đương 10.000 tỷ đồng. Vốn lớn, thời hạn vay ngắn, trong khi năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có hạn, vốn ngân hàng cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu này.

 

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến đầu tháng 11-2012 đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Mặc dù mức tăng khó đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2012, nhưng đây vẫn là mức tăng khá, khi mà cả nước tăng chưa đến 3%.

Mặt khác, Ngân hàng Phát triển đã dừng nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại, do đó việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn khi mà giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp hạn chế. Việc triển khai chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản còn nhiều vướng mắc. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mặc dù không hạ điều kiện cho vay nhưng các ngân hàng đã cam kết nhận đa dạng hóa thế chấp tài sản như bất động sản, kho bãi, nhà xưởng và cả hàng tồn kho.

Theo đó, các chi nhánh: Vietinbank, Sacombank, Techcombank, Vietcombank cam kết sẽ đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch lành mạnh, các ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản đảm bảo lên đến 50-60% giá trị hợp đồng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng có thể vay được 100% nhu cầu nếu được kiểm toán và có tình hình tài chính lành mạnh.

Cam kết là vậy nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn liệu có đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, khi mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có tình hình tài chính yếu, vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay, thiếu tài sản đảm bảo?

Đối với lĩnh vực xây lắp, các ngân hàng đã tiến hành giải ngân vốn vay với dư nợ hiện đang còn trên 2.000 tỷ đồng. So với cuối năm 2011, tăng trưởng lĩnh vực này gần 50%, nguyên nhân do các ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, nên doanh nghiệp được tiếp cận vốn nhanh chóng. Khó khăn nhất hiện nay đa số các doanh nghiệp gặp phải là nhiều công trình thi công đã có khối lượng nhưng chậm được thanh toán vốn; chủ đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp xây lắp phải thực hiện bảo lãnh tiền tạm ứng…

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp được vay vốn nhưng việc trả nợ, trả lãi gặp khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng mà doanh nghiệp lại không được bù trượt giá dẫn đến thua lỗ khi thi công các công trình.

Tại buổi làm việc giữa ngân hàng và doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã cam kết sẽ cho vay vốn xây dựng các công trình đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chậm thanh toán, bằng cách hỗ trợ xem xét trên khối lượng xây lắp đã thực hiện. Ngân hàng sẽ cho bảo lãnh tạm ứng nếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nhưng là doanh nghiệp có lịch sử quan hệ và xếp hạng tín dụng tốt. Đặc biệt, các ngân hàng cam kết giảm lãi suất các khoản vay mới khoảng 13%/năm, tiếp tục tạo điều kiện đầu tư vốn cho doanh nghiệp trúng thầu gói thầu của công trình tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết: Căn cứ trên những cam kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo UBND tỉnh về vấn đề này, đồng thời cũng sẽ theo dõi và có những xử lý đối với các ngân hàng không thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp. Các ngân hàng đã làm việc cụ thể với doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp và đi đến thống nhất quan điểm: Không có trường hợp thiếu vốn nếu đảm bảo một số điều kiện cơ bản của ngân hàng.

Thảo Nguyên

Đến đầu tháng 11-2012, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 83 doanh nghiệp với dư nợ 703 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh kỳ hạn nợ 65 tỷ đồng, gia hạn nợ 638 tỷ đồng. Cùng với đó đã cho vay mới 4 nhóm đối tượng ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ) cho 437 doanh nghiệp với lãi suất dưới 12%/năm; đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất dưới 15%/năm cho 1.077 doanh nghiệp với dư nợ 8.244 tỷ đồng.

Theo Báo Gia Lai