Hiệu quả từ mô hình canh tác nông-lâm nghiệp bền vững

02/10/2012 01:23 PM


Năm 2010 thị xã Ayun Pa đã triển khai phương án thí điểm “Hỗ trợ người dân canh tác nông-lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy” cho 70 hộ dân tại thôn Bôn Sa, xã Ia Rbol. Nội dung của phương án này là giao đất có rừng cho người dân địa phương, đồng thời cấp sổ đỏ cho họ, để họ vừa chủ động quản lý vừa canh tác một cách bền vững nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Năm 2010 thị xã Ayun Pa đã triển khai phương án thí điểm “Hỗ trợ người dân canh tác nông-lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy” cho 70 hộ dân tại thôn Bôn Sa, xã Ia Rbol. Nội dung của phương án này là giao đất có rừng cho người dân địa phương, đồng thời cấp sổ đỏ cho họ, để họ vừa chủ động quản lý vừa canh tác một cách bền vững nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Trong thời gian thí điểm, phương án còn hỗ trợ cho người dân về giống cây trồng và phân bón để đầu tư chăm sóc... Qua 3 năm thực hiện, đến nay phương án này đã cho hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả trong đời sống kinh tế-xã hội

 

Thôn Bôn Sa có gần 150 hộ dân, phần lớn đời sống người dân còn rất khó khăn, chỉ sống nhờ vào nương rẫy, phương thức sản xuất lạc hậu. Đầu năm 2010, thực hiện Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 17-12-2009 của UBND tỉnh Gia Lai về “Đề án hỗ trợ người dân canh tác nông-lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy”, Ban chỉ đạo chương trình đã chọn 70 hộ dân ở Bôn Sa, xã Ia Rbol để tham gia phương án thí điểm tại tiểu khu 1280 thuộc địa giới hành chính xã Ia Rbol quản lý. Đây là những hộ thiếu đất sản xuất, sống gần rừng, nhận thức còn hạn chế. Sau 3 năm thực hiện phương án thí điểm này, đời sống bà con đã đổi thay rõ rệt.

Ông Nay Tem-Trưởng thôn Bôn Sa cho biết: Khi mới tham gia thực hiện phương án, người dân còn chưa biết cách chọn giống và chăm sóc cây trồng, nhưng từ khi tham gia phương án, qua các lớp tập huấn, bây giờ họ đã biết cách chăm sóc cây trồng. Trước kia đồng bào quen trồng cây bắp địa phương, năng suất thấp, chất lượng kém, bây giờ họ đã biết trồng cây bắp lai năng suất cao.

Chị Rchom H’Maih, một trong số 70 hộ dân tham gia chương trình, được cấp sổ đỏ 1 ha đất, được chương trình hỗ trợ giống bắp lai và phân bón, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Vụ bắp vừa qua chị thu hoạch được 30 bao, cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Chị cho biết cây bắp ở đây rất tốt, mỗi năm trồng được 2 vụ... và sắp tới chị sẽ tiếp tục gieo trồng nữa. Cũng như chị H’Maih, hầu hết 70 hộ tham gia phương án hiện nay cuộc sống đều đã ổn định, vụ bắp vừa qua, gia đình nào cũng thu nhập 30-40 triệu đồng.

Phương án này tạo điều kiện cho bà con sản xuất canh tác ổn định trên diện tích đất nương rẫy, góp phần cùng với chính quyền địa phương giải quyết công ăn việc làm cho người dân, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, từ đó tạo ra sự ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Qua các đợt sơ kết, tổng kết phương án, cơ chế dân chủ được coi trọng, người dân được hỏi ý kiến, được bàn bạc, quyết định, được thực thi; họ đóng vai trò trong mọi hoạt động sản xuất trên đất nương rẫy, giúp họ và chính quyền địa phương xích lại gần nhau hơn trong mọi hoạt động.

Công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn

Ông Vũ Tiến Hành- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol cho biết, từ khi thực hiện phương án này đến nay, diện tích rừng trên địa bàn xã được bảo vệ một cách chắc chắn, không còn tình trạng phá rừng hay đốt rừng làm rẫy như trước kia nữa. Người dân đã có đất sản xuất bền vững nên yên tâm lao động sản xuất, tập quán trồng trọt manh mún, luân canh cũng được thay thế bằng cách trồng trọt chuyên canh, tập trung...

Việc cấp sổ đỏ đã giúp đồng bào ổn định tư tưởng, được làm chủ diện tích nương rẫy của mình, họ đã yên tâm đầu tư canh tác, đáp ứng nguồn lương thực tại chỗ, cải thiện đời sống, chấm dứt nạn phá rừng làm rẫy, góp phần bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với việc hạn chế được nạn phá rừng, thì diện tích nương rẫy cố định được quy hoạch với các biện pháp canh tác hợp lý, đã giảm thiểu tình trạng xói mòn và thoái hóa đất. 28 ha đất nương rẫy được chuyển đổi thí điểm sẽ góp phần nâng cao khả năng phòng hộ đầu nguồn. Trên địa bàn  xã Ia Rbol những năm gần đây chưa hề có vụ phá rừng và vụ cháy rừng nào xảy ra. Tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên được người dân tự giác bảo vệ.

Trước hiệu quả thiết thực của mô hình này, tại Hội nghị tổng kết ngày 13-9 vừa qua, với sự tham dự của đại diện 70 hộ dân tham gia mô hình, ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban chỉ đạo phương án đã khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư sản xuất trên các diện tích đất đã được cấp sổ đỏ để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc  biệt, đồng bào nên tiếp tục trồng cây bắp lai, loại cây phù hợp với vùng đất này. Đồng thời chính quyền địa phương cũng sẽ xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để tiếp tục hỗ trợ người dân canh tác nông-lâm nghiệp trên đất nương rẫy và triển khai nhân rộng mô hình này.

Theo Báo Gia Lai