Chư Prông: Nỗ lực hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc

01/10/2012 01:12 PM


Công tác tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò góp phần giảm bớt rủi ro cho người dân, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng những khó khăn về tập quán chăn nuôi của người dân bản địa, cùng với thời tiết mưa nhiều, đường sá đi lại ở các xã biên giới: Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Mơr, làm cho tiến độ tiêm phòng của huyện Chư Prông chậm lại.

Công tác tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò góp phần giảm bớt rủi ro cho người dân, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng những khó khăn về tập quán chăn nuôi của người dân bản địa, cùng với thời tiết mưa nhiều, đường sá đi lại ở các xã biên giới: Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Mơr, làm cho tiến độ tiêm phòng của huyện Chư Prông chậm lại.
 

Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Chư Prông, tổng số đàn bò, trâu trên địa bàn huyện khoảng 20.000 con, phân bố trên 20 xã, thị trấn. Tính đến thời điểm này, Trạm Thú y huyện đã tiêm phòng được 10.200 liều vắc xin lở mồm long móng trên tổng số 19.900 liều được tỉnh cấp cho đợt II năm 2012, đạt khoảng 51% kế hoạch (đợt I-2012 đã hoàn thành với 19.300 liều vắc xin được cấp).

Lý giải vấn đề này, ông Lê Hiền-Trưởng trạm Thú y huyện Chư Prông thừa nhận, công tác tiêm phòng đến thời điểm này tương đối chậm, do nhiều nguyên nhân khách quan như: Hàng năm vào mùa mưa thì công tác tiêm phòng của Trạm gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các con đường liên xã nối trung tâm huyện với các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã biên giới như: Ia Lâu, Ia Mơr, Ia Piơr vẫn chưa được bê tông hóa toàn bộ, nên mỗi đợt tổ chức tiêm phòng, cán bộ Thú y phải đi bộ ven theo đường rừng mất hàng giờ đồng hồ để đến nơi, đôi khi còn bị lạc vào các nương rẫy.

Không những vậy, mưa làm mực nước các con suối dâng cao, ngập các cây cầu bắc ngang qua suối gây khó khăn cho đi lại, cộng với tập quán chăn nuôi của người dân thường nhốt trâu, bò ở ngoài rẫy, khi trời mưa kéo dài, nước suối dâng cao không thể dắt trâu, bò về tiêm phòng kịp thời. Mặt khác, người dân ở các xã vùng biên giới phần lớn có tập quán chăn nuôi truyền thống nên vào mùa mưa chuồng trại không được vệ sinh thường xuyên nên thường bị ngập, lầy lội gây khó khăn cho cán bộ tiêm phòng.

Để hoàn thành kế hoạch được giao, Trạm Thú y huyện đã có nhiều biện pháp khắc phục như: thông báo đến các xã về lịch tiêm phòng, từ đó xã phổ biến lại cho các trưởng thôn về vận động người dân trong từng thôn, tuyên truyền cho người dân tầm quan trọng và lợi ích của việc tiêm phòng bệnh dịch lở mồm long móng; vận động, hướng dẫn người dân làm lại chuồng trại, nhốt trâu, bò ở nơi khô ráo, tranh thủ dắt trâu, bò về tiêm phòng đúng thời gian quy định khi nước ở các suối rút.

Bên cạnh đó, động viên anh em cán bộ của Trạm cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành việc tiêm phòng đợt II-2012 trước ngày 15-11, bởi nếu việc tiêm phòng không đúng tiến độ sẽ không phát huy được hiệu quả của vắc xin.

Theo Báo Gia Lai