Thắp sáng ước mơ hoàn lương
25/09/2012 07:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những phạm nhân trẻ khi được cởi bỏ áo tù nhân có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời mới? Cộng đồng sẽ đón nhận những con người từng một thời lầm lỗi bằng thái độ và trách nhiệm như thế nào?
Những phạm nhân trẻ khi được cởi bỏ áo tù nhân có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời mới? Cộng đồng sẽ đón nhận những con người từng một thời lầm lỗi bằng thái độ và trách nhiệm như thế nào? Đó cũng là ý nghĩa của chương trình “Ký kết phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015” giữa Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh. Hoạt động này thêm một lần khẳng định tính nhân văn của người có trách nhiệm với những con người mất quyền công dân. Tự tin tái hòa nhập
Nhiều gương mặt phạm nhân còn rất trẻ, có quá trình cải tạo tốt; một số người từng là phạm nhân giờ đã trở thành ông chủ với cơ nghiệp vững vàng được tạo điều kiện để có mặt trong buổi lễ. Đại tá Nguyễn Đình Ba-Giám thị Trại giam nói: “Những phạm nhân khi sắp hết thời hạn chấp hành án có tư tưởng mặc cảm, sợ bị cộng đồng kỳ thị, vì vậy họ rất cần được cộng đồng động viên, chia sẻ để nhanh chóng tái hòa nhập. Tôi hy vọng các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận họ vào làm việc, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Vai trò của gia đình, xã hội có ý nghĩa rất lớn giúp họ tự tin, tự trọng hơn để bắt đầu cuộc sống mới”. Cũng theo Đại tá Nguyễn Đình Ba, hiện Trại giam Gia Trung đang quản lý, giáo dục, cải tạo 1.974 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên (chiếm 2/3 số phạm nhân đang quản lý, giáo dục tại trại), trong đó, có 897 phạm nhân trong độ tuổi này đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai. 30% phạm nhân sau khi ra trại không có công việc ổn định, còn lại đều tìm được việc làm và nhiều người gây dựng cơ nghiệp sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm qua, tỷ lệ tái phạm tội trong độ tuổi thanh niên không quá 1%. Đại tá Nguyễn Đình Ba cho biết: “Trước khi hết án 2 tháng, chúng tôi tổ chức nhiều buổi lên lớp giáo dục phạm nhân ý thức công dân, đạo đức xã hội, kiến thức pháp luật, đặc biệt là kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi có nhiều chương trình phối hợp để tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe để giúp họ tự tin hơn. Trong thời gian ở trại, phạm nhân được hướng nghiệp, dạy nghề và được cấp chứng chỉ nghề để sau khi ra trại có thể tìm việc làm phù hợp. Đối với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng từ quỹ tái hòa nhập cộng đồng để họ có thêm điều kiện làm ăn sinh sống lương thiện”. Sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực trong quá trình cải tạo đã giúp nhiều phạm nhân sau khi ra trại tái hòa nhập nhanh chóng, nhiều người thành đạt, trở thành ông chủ từ những viên gạch đầu tiên này. Từng là một phạm nhân có án phạt nặng, sau khi được ân xá trước thời hạn do cải tạo tốt, Phan Anh Tuấn giờ đã trở thành ông chủ tiệm sửa chữa ô tô, xe máy ở thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai). Chia sẻ kinh nghiệm tái hòa nhập cộng đồng, anh nói: “Quá trình cải tạo đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều, chiêm nghiệm rất nhiều điều từ cuộc sống. Được học nghề, tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần giúp tôi tự tin, quyết tâm gây dựng lại từ đầu sau khi ra trại. Giờ đây tôi đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc và công việc làm ăn ổn định”. Phan Anh Tuấn chia sẻ rằng, thái độ của gia đình, xã hội rất quan trọng đối với những người mãn hạn tù về địa phương. Chỉ cần một ánh mắt kỳ thị, một sự phân biệt nhỏ cũng là nguyên nhân đẩy những người từng lầm lỗi thêm tự ti, mặc cảm. “Đối với những người biết hối lỗi, mọi người nên dang rộng vòng tay giúp đỡ họ. Tình yêu thương của gia đình rất quan trọng giúp họ phục thiện”. Thắp sáng ước mơ hoàn lương Lễ ký kết là hoạt động khởi đầu cho rất nhiều hoạt động phối hợp giữa Trại giam Gia Trung và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh nhằm giúp đỡ phạm nhân có điều kiện thuận lợi hơn để tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội. Theo Ban Giám thị Trại giam Gia Trung, những phạm nhân về địa phương tìm được việc làm ổn định rất hiếm trường hợp tái phạm tội. Vì vậy, việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện về việc làm để cùng cộng đồng giúp đỡ họ hoàn lương luôn được Ban Giám thị trại quan tâm. Tại lễ ký kết, ông Lê Đình Bửu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, đại diện cho nhiều công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nói với những phạm nhân trẻ: “Không ai cho không các bạn tiền để sống, càng không thể đi giành giật, cướp đoạt của người khác. Các bạn đã trả giá đắt cho hành động nông nổi của mình bằng những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Nếu các bạn cải tạo tốt, sau khi ra tù, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện để làm việc, có thu nhập ổn định. Tại Công ty chúng tôi cũng có những người từng phạm tội, nhưng biết hướng thiện, có ý chí vươn lên nay đã trở thành tổ trưởng tổ sản xuất, là đảng viên gương mẫu”. Ở hàng ghế những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, Hứa Văn Đô có hộ khẩu thường trú ở xã Tơ Tung (huyện Kbang), trải lòng: “Ngày trở về cộng đồng của chúng tôi sắp đến, tôi muốn làm lại cuộc đời như một ngày mới. Phần lớn chúng tôi sinh ra trong những gia đình yêu lao động, sống giản dị, tiết kiệm. Những ngày học nghề trong trại, tôi càng quý trọng thành quả lao động. Vì thế, nếu được tạo điều kiện vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, tôi sẽ làm việc bằng ý thức trách nhiệm cao, mạnh dạn, tự tin hòa nhập cộng đồng”.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...