Gắn bó với đồng bào các dân tộc

10/09/2012 07:48 AM


Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới của tỉnh vẫn còn nổi lên một số hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm-thổ sản trái phép, tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản, tranh chấp đất đai, thanh-thiếu niên ham chơi, lười lao động, gây mất trật tự xã hội…

Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới của tỉnh vẫn còn nổi lên một số hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm-thổ sản trái phép, tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản, tranh chấp đất đai, thanh-thiếu niên ham chơi, lười lao động, gây mất trật tự xã hội…

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động nắm tình hình hoạt động của bọn phản động và các loại đối tượng trên địa bàn phụ trách, kịp thời có đối sách làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Riêng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác vận động quần chúng (VĐQC) phải thường xuyên bám dân, bám làng, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều chủ trương sát, đúng với tình hình cụ thể của địa phương.

 

Bộ đội Biên phòng tặng nhà tình nghĩa cho người dân trên khu vực biên giới. Ảnh: P.D
Bộ đội Biên phòng tặng nhà tình nghĩa cho người dân trên khu vực biên giới. Ảnh: P.D

Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ làm công tác VĐQC phải dựa vào quần chúng, không ngừng tăng cường “lòng yêu thương nhân dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, tích cực phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, người uy tín trong việc vận động gia đình, dòng họ và đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Riêng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”-đã từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc, đồng thời gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa. Đến nay, 7 xã biên giới của tỉnh đã có 15 làng được công nhận là làng văn hóa; 1.878 hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa.

Cùng với đó, BĐBP tỉnh còn tích cực tham mưu cho địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và phối hợp với địa phương triển khai khảo sát, xây dựng các công trình thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nhà rông văn hóa, bưu điện văn hóa. Các đội công tác địa bàn của các đồn biên phòng đã trực tiếp hướng dẫn cho người dân cách thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và triển khai xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế ở các xã biên giới, như: trồng lúa nước (Đồn Biên phòng Ia Púch, Đồn Biên phòng Ia Nan), trồng tre lấy măng kết hợp xen canh trồng cỏ ngọt nuôi bò (Đồn Biên phòng Ia Pnôn)… Hầu hết các mô hình kinh tế đều phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên đã mang lại những hiệu quả thiết thực.  

Đặc biệt, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng nhận đỡ đầu 6 em học sinh vượt khó học giỏi và hỗ trợ 8 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi tháng 200 ngàn đồng. Một số đồn biên phòng còn nhận nuôi trẻ em mồ côi như Đồn Biên phòng Pô cô hay Đồn Biên phòng Ia Pnôn thực hiện “Hũ gạo tình thương”, mỗi tháng trích 15 kg gạo để giúp đỡ gia đình ông Rơlan Pưn (Ia Pnôn-Đức Cơ) vượt qua khó khăn.

Thực hiện chương trình quân-dân y kết hợp, BĐBP tỉnh đã tổ chức khám-chữa bệnh và cấp thuốc cho 8.459 lượt người với trị giá gần 245 triệu đồng. Riêng, cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, đến nay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng được 127 ngôi nhà và 3 công trình dân sinh với tổng số tiền gần 3,8 tỷ đồng. Trong năm 2012, BĐBP tỉnh tiếp tục khảo sát xây dựng 22 nhà, trong đó có 8 nhà “Đại đoàn kết”, 12 nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” cho đồng bào nghèo trên địa bàn các xã biên giới và 2 nhà “Đại đoàn kết” cho người dân Campuchia.

Đội ngũ cán bộ tăng cường xã cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trên địa bàn. Cùng các cấp, các ngành giúp người dân trên khu vực biên giới chuyển đổi dần về nhận thức phát triển kinh tế-xã hội và nhiều địa phương đã mạnh dạn chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế hàng hóa…

Đặc biệt, đội ngũ này đã tích cực tham mưu cho địa phương duy trì và đẩy mạnh các mô hình, phong trào của địa phương, như: phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc; gìn giữ an ninh trật tự thôn, làng khu vực biên giới”; “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư” góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu của bọn phản động, cùng địa phương giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới.

Theo Báo Gia Lai