Màu xanh ở Quảng trường Đại Đoàn Kết
10/09/2012 07:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân gửi tặng nhiều loài cây quý để trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Không chỉ có ý nghĩa về nghệ thuật trong quần thể kiến trúc, hàng trăm loài cây trồng đồng thời tạo nên một khu vườn xuân-khu vườn được khẳng định quanh năm ngát hương hoa bên tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân gửi tặng nhiều loài cây quý để trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Không chỉ có ý nghĩa về nghệ thuật trong quần thể kiến trúc, hàng trăm loài cây trồng đồng thời tạo nên một khu vườn xuân-khu vườn được khẳng định quanh năm ngát hương hoa bên tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Tây Nguyên xanh Thật kỳ lạ, những cây trồng được xem là đặc trưng của Tây Nguyên, “nhận ra” Tây Nguyên như kơ nia, hoa pơ lang đều rất khó trồng. Nhưng khi cây đã bén rễ vào lòng đất thì khó có loài nào vững chãi được như thế. Tất nhiên, tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, đây là những loài cây không thể thiếu để góp mặt vào rừng cây phong phú về chủng loại và mang nhiều ý nghĩa này.
Đã gặp nhiều cây pơ lang đâu đó trong các buôn làng, nhưng khi pơ lang được trồng tại Quảng trường thành phố lại thấy một sắc thái riêng. Cứ hễ thấy pơ lang thắp lửa, lòng người lại rạo rực chào đón mùa “ăn năm uống tháng” của người Tây Nguyên. Pơ lang nở, tức là bắt đầu mùa lễ hội. Vì vậy, đây còn là loài cây báo hiệu cho du khách ở xa, những người chưa từng biết đến lễ hội ở Tây Nguyên: Thấy sắc đỏ pơ lang, không cần về làng cũng đoán biết lễ hội đang tưng bừng ở nhiều vùng đất. Cạnh pơ lang là loài cây có tính biểu trưng: kơ nia. Sự vững chãi, thủy chung, sức sống bền bỉ hiếm có của kơ nia được ví như tính cách và con người Tây Nguyên. Vì thế, trong vườn cây tại Quảng trường, loài cây này hẳn nhiên có chỗ đứng đặc biệt dù đây là loài cây khó trồng và khó sống nhất trong các loài cây trồng. “Kơ nia rễ cọc nên rất khó bứng từ rừng về trồng, và trồng cây rất khó sống. Công đoạn vận chuyển kơ nia lại vô cùng khó khăn do rễ của nó rất dài. Hiện chúng tôi đã trồng được 13 cây, trong đó 10 cây con lấy từ vườn ươm, trồng trên đồi và 3 cây lớn trồng ở khu vực Quảng trường. Để trồng được những cây kơ nia này, chúng tôi có một quá trình vất vả với nó”-anh Huỳnh Minh Thịnh-Công ty Tư vấn Thiết kế Nét Việt, đơn vị chịu trách nhiệm về các loài cây trồng ở Quảng trường, cho biết. Một loài cây từng làm cho không ít người mỗi khi thương nhớ về Phố núi Pleiku thường nghĩ tới là thông, long não hiện cũng được trồng rất nhiều tại khu vực Quảng trường. Ngoài những cây trồng đặc trưng, các huyện, thị xã, thành phố tặng rất nhiều loài cây gỗ quý đang hiếm dần tại các khu rừng Tây Nguyên như sanh, sao đen, giáng hương, bằng lăng, gõ, sưa, huỳnh đàn đỏ… tạo nên sự phong phú về chủng loại. Đặc biệt, với những người đi qua bom đạn trong hai cuộc chiến tranh hẳn sẽ không thể quên những chùm lá đùng đình dùng để ngụy trang trên vành mũ, trên lưng trong lúc hành quân hay trên những chuyến xe vượt rừng. Hơn nữa, những chuỗi quả tuyệt đẹp của loài đùng đình buông mình sum suê còn gửi gắm những mong ước thầm kín. Chính vì thế, đùng đình được dành chỗ đứng riêng trong muôn loài cây xanh tại Quảng trường. Ngát hương hoa bốn mùa Sự độc đáo ở các loài cây trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết không chỉ những cây trồng mang đậm tính biểu trưng và sức sống của Tây Nguyên, nhiều loài cây, loài hoa đặc trưng của nhiều vùng đất cũng hội tụ trong không gian xanh. Đó là những cụm sen hồng được Ban Quản lý mang từ Hồ Tây (Hà Nội) và Nghệ An-quê Bác vào trồng tại khu vực đài phun nước, hay những gốc đào Nhật Tân ấm tình xứ Bắc, những gốc mai rực nắng vàng phương Nam... được trồng có chủ ý quanh khu vực để tạo tính thẩm mỹ. Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng 100 cây mai anh đào, 20 cây phượng tím để trồng tại khu vực Quảng trường. Mai anh đào đã trở thành biểu tượng của thành phố ngàn hoa Đà Lạt, làm mê đắm bao nhiêu khách du lịch đặt chân tới vùng đất mộng mơ này. Sự góp mặt của mai anh đào hy vọng sẽ là điểm nhấn trong vườn hoa muôn sắc màu, và không xa, Quảng trường sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, hội tụ những loài hoa nổi tiếng ở khắp các vùng đất. Anh Huỳnh Minh Thịnh cho biết: “Không chỉ có hoa sen, mai anh đào, nhiều loài cây nở hoa như ngọc lan, lộc vừng, osaca với ba màu vàng, đỏ, cam, sứ trắng, đỏ… cũng được trồng quanh khu vực. Không lâu nữa, hoa sẽ đua sắc thắm, tỏa ngát hương thơm tại khu vực này suốt bốn mùa”. Đằng sau những cây trồng tại Quảng trường chính là tình cảm của người tặng. Đó là hai cây me do đích thân những bậc lão thành cách mạng xuống bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định) xin về trồng. Những cổ thụ hàng trăm năm tuổi như sứ, sung, lộc vừng, bồ đề… do các cơ quan ban ngành gửi tặng thể hiện tình cảm và sự ngưỡng vọng đối với quần thể công trình kiến trúc-lịch sử này. “Hiện có trên 500 cây với nhiều chủng loại được các nơi tặng để trồng tại Quảng trường. Với số lượng cây lớn như vậy, chúng tôi phải phân bổ trồng sao cho hợp lý, có chủ đề để vừa mang tính thẩm mỹ vừa hài hòa với quần thể kiến trúc tại khu vực này”- anh Thịnh cho biết.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...