Công tác dân số ở Đak Song: Bộn bề khó khăn
05/09/2012 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cách trung tâm huyện Kông Chro hơn 40 km, Đak Song là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro. Nơi đây còn tồn tại rất nhiều những tập quán lạc hậu trong nếp sống, nếp sinh hoạt, như nếp sinh con tại nhà. Chính điều này đã khiến cho công tác dân số-KHHGĐ nơi đây gặp bộn bề những khó khăn.
Cách trung tâm huyện Kông Chro hơn 40 km, Đak Song là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro. Nơi đây còn tồn tại rất nhiều những tập quán lạc hậu trong nếp sống, nếp sinh hoạt, như nếp sinh con tại nhà. Chính điều này đã khiến cho công tác dân số-KHHGĐ nơi đây gặp bộn bề những khó khăn. Chất lượng dân số không được đảm bảo, cùng với những nguy cơ cao dễ dẫn đến tử vong cho bà mẹ, trẻ em chính là những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài đến đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hôm nay, Đinh Hlay mời thầy cúng của làng về để cúng Yàng cho vợ Đinh Thị Pah của mình sinh nở an toàn. Vợ anh mang thai đứa con thứ 3 được 8 tháng. Nghi lễ cúng Yàng cũng đơn giản: một ghè rượu, một con gà. Thầy cúng được coi là cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh, để truyền tải những ước muốn bình dị của con người, về một sinh linh sắp chào đời. Cũng như tất cả người làng Blà ở xã Đak Song này, vợ chồng Hlay tin tưởng rằng, với nghi lễ đó, việc sinh nở của người mẹ sẽ được trọn vẹn.
Đó là niềm tin bao đời nay đã ăn sâu vào đời sống của mỗi người dân nơi đây. Thay vì đi đến bác sĩ, khám và nghe chỉ định, nhiều cặp vợ chồng thường giao phó cho thầy cúng. Khi được hỏi về nơi vợ chồng anh lựa chọn để sinh con, Hlay cho biết: “Sẽ đưa vợ ra bệnh viện huyện để sinh”. Đây lại là điều rất cá biệt ở làng Blà này. Những gia đình lựa chọn cơ sở y tế để sinh đẻ như gia đình Hlay ở làng Blà không nhiều. Trong số hầu hết các cặp vợ chồng được hỏi đều cho chúng tôi biết họ đều sinh đẻ ngay tại nhà. Hoặc là “bà mụ” của làng đỡ, hoặc là người thân như chị em, mẹ chồng đỡ. Nhiều người tự “vượt cạn” một mình mà không có sự trợ giúp của người khác. Chỉ khi gặp khó khăn trong chuyển dạ của người mẹ, họ mới kêu đến cán bộ y tế, hoặc đưa đến cơ sở y tế. Đây là tình trạng chung của hầu hết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa ở huyện Kông Chro. Chính vì thế, những trạm y tế như ở xã Đak Song khang trang, với đầy đủ những thiết bị y tế cần thiết chỉ cách làng Blà không đầy 1 cây số nhưng rất vắng vẻ. Cán bộ y tế ở đây cho biết, không hề có ai đến trạm để sinh đẻ. Trong 19 ca sinh nở của xã 3 tháng đầu năm, thì 16 ca sinh tại nhà, chỉ có 3 ca đến bệnh viện, nhưng không ai tìm sinh ở Trạm Y tế xã. Bà Trần Thị Thủy-phụ trách Trạm Y tế xã Đak Song cho biết: “Đây là tập tục lâu đời của người dân, nói nhiều, vận động nhiều nhưng kết quả không là bao”. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều gia đình sinh con thứ 3, có gia đình sinh 6-7 con và chủ yếu rơi vào những cặp vợ chồng lớn tuổi, nhận thức cổ hủ, không chịu thay đổi. Đó cũng chính là cái khó khăn của đội ngũ những người làm công tác dân số-KHHGĐ ở xã Đak Song vì như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc tuyên truyền, giáo dục cho những cặp vợ chồng trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ. Không những thế, phụ nữ sau sinh vẫn phải đi làm và không có điều kiện tự chăm sóc bản thân, phục hồi sức khỏe sau sinh. Cùng với tập tục sinh con tại nhà, sự thiếu kiến thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản đang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ cao dẫn đến tử vong cho bà mẹ và trẻ em. Thời gian gần đây, đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng đẻ tại nhà ở vùng sâu, vùng xa với nhiều hoạt động truyền thông thiết thực với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại đây, cán bộ dân số đã nỗ lực nhiều để đem đến nhận thức cần thiết về tầm quan trọng của việc thăm khám thai, đến trạm y tế để sinh đẻ... nhưng vẫn còn bộn bề khó khăn trong thực hiện. Chị Chăh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho hay: “Mình cũng nói nhiều nhưng nhiều người không nghe, họ đồng ý nhưng sau cũng không giữ lời, vẫn còn đẻ nhiều và không chịu đến trạm để sinh”. Ngày trước giao thông cách trở, kinh tế khó khăn chính là lý do của người dân đưa ra. Nhưng nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, giao thông đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, đời sống người dân cũng đã được cải thiện. Nhưng việc không tìm đến cơ sở y tế để sinh đẻ và chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn tồn tại trong đời sống của người dân xã Đak Song. Chứng tỏ, nguyên nhân chính vẫn là tập tục lâu đời của người bản địa vẫn còn ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Vì vậy, một trong những biện pháp khả thi, có lẽ chính là tuyên truyền, làm cho người dân hiểu, việc sinh con tại nhà nếu không dẫn đến tử vong thì về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Cải thiện tình trạng đó, cũng chính là góp phần đẩy lùi những tập tục lạc hậu, cùng nếp nghĩ cũ tồn tại bấy lâu ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, và người dân vùng sâu xã Đak Song, huyện Kông Chro nói riêng.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...