Con chữ Ia Ngăng
04/09/2012 07:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không tiếng trống trường, không quần áo mới, không điện đài, ti vi, mỗi tối vẫn cặm cụi học chữ bên chiếc đèn dầu, nhưng 18 em học sinh của điểm trường làng Ia Ngăng, Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) vẫn hào hứng đón chờ năm học mới.
Không tiếng trống trường, không quần áo mới, không điện đài, ti vi, mỗi tối vẫn cặm cụi học chữ bên chiếc đèn dầu, nhưng 18 em học sinh của điểm trường làng Ia Ngăng, Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) vẫn hào hứng đón chờ năm học mới. “Mình không biết chữ rồi, nên mới nghèo thế này, giờ phải cho mấy đứa con học để tụi nó biết cái chữ”-chị Kpă Gich, làng Ia Ngăng, xã Chư Don chia sẻ như thế sau khi ngại ngần từ chối viết tên mình lên cuốn sổ ghi chép của tôi. Hỏi ra, lúc bé chị không có điều kiện được đi học, rồi đến tuổi cầm được cái cuốc lên nương làm rẫy, chị mãi mãi xa vời với cuốn vở và cây viết. Để đến bây giờ, ở cái tuổi 30, với bốn mụn con chị vẫn chỉ dùng những ngón tay lăn mực đỏ mỗi lần làm giấy tờ.
Hiểu được nỗi tủi thân của những người không biết chữ, chị Gich luôn dặn dò các con mình phải học lấy cái chữ để ấm vào thân. Con gái lớn của chị là Kpă Nga, học lớp 4, hai con trai Kpă Hiên và Kpă Kiến em học lớp 2, em học lớp 1, còn em gái út Kpă Plun năm nay bắt đầu vào lớp mẫu giáo. Chị Gich cho biết thêm: “Nhà mình nghèo mà có 4 đứa đi học nên cũng khó khăn lắm. Năm học mới mà không mua được cho mấy đứa nhỏ bộ quần áo mới nào cả, mỗi đứa chỉ có một bộ may từ năm trước, thằng bé Kiến còn chưa có áo trắng để vào học lớp 1…”. Mỗi tối trong căn nhà lụp xụp, bốn đứa trẻ quây quần bên chiếc đèn dầu duy nhất của gia đình để mò mẫm từng con số, con chữ. Chị cả Kpă Nga học giỏi nhất nhà, năm nào cũng được giấy khen, cũng thế mà làm cô giáo bất đắc dĩ của ba em. Buổi sáng, các em lại lên lớp với cái bụng sôi lên vì đói bởi “khái niệm ăn sáng” dường như chưa hề tồn tại. Rồi mỗi lần nhà hết gạo, các em chỉ húp tạm bát canh lá mì “đánh lừa” cái bụng rồi lại ôm cặp lên lớp. Khó khăn là thế, nhưng mỗi ngày, cả 4 chị em Nga đều dậy từ rất sớm sắp vở vào cặp, dù mưa dù nắng vẫn háo hức đến trường. Cô Nguyễn Thị Bình-giáo viên điểm trường làng Ia Ngăng cho biết: “Điểm trường có 2 lớp ghép và 1 lớp đơn với tổng số 18 học sinh, nhà em nào hoàn cảnh cũng khó khăn. Nhiều hộ thường xuyên thiếu gạo phải ăn độn với bắp, lá mì, măng hoặc các loại rau rừng. Mặc dù vậy các em đều đi học rất chăm ngoan và không hề bỏ học giữa chừng”. Nhưng cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn và đường sá cách trở, các học sinh trong làng đều chỉ học hết cấp I, không đủ điều kiện để học tiếp cấp II. Không chỉ học sinh, ba giáo viên “cắm chốt” ở điểm trường làng Ia Ngăng cũng chịu không ít những thiệt thòi. Cô giáo Phan Thị Dinh nói: “Làng chưa có điện nên cứ cuối tuần các thầy cô lại phải về thị trấn Nhơn Hòa cách 17 km để soạn giáo án cho một tuần, sau đó duyệt rồi mới mang xuống dạy, nhân tiện sạc điện thoại luôn”. Cô giáo Dinh năm nay tròn 24 tuổi, là người quê Nghệ An, chọn Gia Lai làm nơi gắn bó. Nhưng Dinh cũng không thể tưởng tượng hết được những vất vả mà mình đang phải đối mặt. Đã 2 năm gắn bó với ngôi làng nghèo Ia Ngăng, chỉ có tình yêu nghề, tình yêu với những cô cậu học sinh Jrai chân chất thật thà của miền đất cát này mới khiến Dinh vững tâm dạy học… Rời Ia Ngăng, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cái lớp học nhỏ bé, cô trò thân thiện như một gia đình và câu nói đầy nghị lực của cô bé Kpă Nga-học sinh lớp 4, điểm trường làng Ia Ngăng: “Em sẽ chăm chỉ học thật giỏi, rồi để được lên học cấp II, em không muốn khổ như bố mẹ bây giờ”. Chỉ như thế thôi, cũng đã đủ để chúng tôi tin tưởng về một năm học mới đầy thắng lợi của Ia Ngăng.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...