Vùng sâu trước thềm năm học mới
20/08/2012 07:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm học mới đã đến rất gần. Với các trường vùng sâu, vùng xa, tuy còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực của nhà trường, sự chung tay của chính quyền địa phương, nhìn chung, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013 đã sẵn sàng.
Năm học mới đã đến rất gần. Với các trường vùng sâu, vùng xa, tuy còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực của nhà trường, sự chung tay của chính quyền địa phương, nhìn chung, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013 đã sẵn sàng. So với năm học trước, thời điểm bắt đầu học lùi một tuần nên công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013 có phần thoải mái, chu đáo hơn. Vùng sâu sẵn sàng cho năm học mới
Đến thăm trường Tiểu học Đak Smar- một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kbang, dù còn gần một tuần nữa mới đến ngày học theo quy định nhưng mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã được hoàn tất. Thầy Trần Ngọc Ánh- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học này, nhà trường có 14 lớp học với tổng số 225 em, trong đó có cả hai hệ là Tiểu học và Trung học cơ sở. Từ ngày 13-8, nhà trường đã tổ chức tập trung giáo viên và học sinh tiến hành lao động, dọn dẹp khuôn viên nhà trường, lớp học để sẵn sàng cho ngày 20-8 chính thức học. Trường còn thiếu 2 giáo viên môn Hóa- Sinh và Mỹ thuật thì cũng đã có phương án tuyển dụng và hợp đồng giảng dạy để đảm bảo tốt yêu cầu đội ngũ giáo viên”. Là một xã còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đại đa số nhưng đến nay nhà trường đã thông báo tới các em học sinh và gia đình về kế hoạch học tập, khai giảng, sẵn sàng cho ngày học đầu tiên của năm học mới vào 20-8 tới. Tại các điểm trường làng, bàn ghế, phòng học đã được dọn dẹp sạch sẽ, kê ngay ngắn, các thiết bị còn thiếu đã được bổ sung để sẵn sàng chào đón học sinh thân yêu quay trở lại với trường, lớp. Năm học 2012-2013, toàn huyện Kbang có khoảng 15.716 học sinh ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS, tăng 243 học sinh so với năm học trước. Toàn huyện có 48 trường, trong đó 15 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 14 trường THCS với tổng số 625 phòng học văn hóa, 24 phòng chức năng, phòng học bộ môn… Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã đầu tư xây dựng phòng học và các công trình khác với tổng số tiền 23.700 triệu đồng, mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ quản lý, dạy học 3.636 triệu đồng... Bà Vương Thị Hội- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Kbang, đánh giá: “Là địa phương còn nhiều khó khăn song được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là ý thức của người dân về việc học đã được nâng lên đáng kể nên công tác chuẩn bị cho năm học mới được tiến hành rất suôn sẻ. Công tác chuẩn bị được các trường chuẩn bị được chu đáo. Tất cả giờ đã sẵn sàng cho giờ “G”! Còn tại huyện Kông Chro, công tác chuẩn bị cho năm học mới đến nay cơ bản đã được hoàn tất. Ông Nguyễn Văn Phúc- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá tình hình công tác chuẩn bị cho năm học tới tại 35 trường thuộc quyền quản lý của Phòng. Đến nay, cơ bản đã đáp ứng tốt cho việc bắt đầu năm học mới”. Còn nhiều khó khăn
Vùng sâu, vùng xa- nơi điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn cũng thường là những “điểm nóng” về giáo dục với rất nhiều vấn đề nan giải. Việc xây dựng các phòng học chức năng, phòng học bộ môn còn rất nhiều hạn chế. Toàn huyện Kbang hiện có 33 phòng thư viện thì chỉ có… 5 phòng đạt chuẩn, số còn lại đa số vẫn phải lấy phòng học văn hóa làm phòng thư viện. Tình trạng này cũng lặp lại đối với phòng học tin học khi 13 phòng học tin học đã được xây dựng thì cả 13 phòng đều là phòng “mượn tạm” từ phòng học văn hóa. Toàn huyện cũng mới chỉ xây dựng được 2 phòng thí nghiệm, 1 phòng học ngoại ngữ…
Điều đáng quan tâm, không chỉ loay hoay với thiếu thốn và tạm bợ, các thiết bị đồ dùng dạy học bậc tiểu học, THCS được cấp cũng đã hư hỏng khá nhiều nhưng chưa được cấp bổ sung. Đây là những vấn đề gây ảnh hướng ít nhiều đến chất lượng dạy và học của địa phương trong năm học tới.
Còn đối với huyện Kông Chro, thầy Nguyễn Văn Phúc, chia sẻ; “Vấn đề đang làm đau đầu hiện nay là việc giải quyết sách, vở cho học sinh người dân tộc thiểu số”. Theo thầy Phúc, vì chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện cấp phát sách giáo khoa, vở miễn phí cho học sinh người dân tộc thiểu số đã không còn, trong khi số đối tượng này vẫn còn nhu cầu hỗ trợ vì không có điều kiện để mua sắm cho việc học nên các trường đều đang rất khó trong vấn đề tìm nguồn “đắp” vào khoản này. “Năm học trước, toàn huyện phải cấp khoảng 52 ngàn quyển vở mới đủ nhu cầu học tập cho học sinh dân tộc thiểu số, năm nay, chúng tôi mới chỉ huy động được đóng góp khoảng 4,5 ngàn cuốn vở từ phía Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh. Số còn lại đang rất khó khăn dù năm học mới đã cận kề. Về sách giáo khoa, chúng tôi phải tạm thời tận dụng số sách giáo khoa cũ trong thư viện, nhưng số lượng lại rất hạn chế, chưa nói đã cũ kỹ… Nếu không có sách vở, e rằng rất khó để học sinh đến lớp”- Thầy Phúc, tâm sự. Theo ước tính, huyện Kbang còn thiếu khoảng 40-50 lớp học, huyện Kông Chro thiếu khoảng 60 lớp học, đa số là ở bậc mầm non. Ở những nơi này, các em học sinh sẽ phải học trong trong các nhà rông, thậm chí là mượn tạm nhà dân để làm lớp học. Ngoài ra, việc duy trì sỹ số cũng là vấn đề nan giải của các trường học vùng sâu. “Mùa” khó duy trì sỹ số nhất thường là vào thời gian mùa lễ hội hoặc ngày mùa, thường là rơi vào thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...