Sốt rét có chiều hướng gia tăng

16/08/2012 07:21 AM


Theo đánh giá của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, tình hình sốt rét (SR) 6 tháng đầu năm 2012 ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có xu hướng gia tăng: số bệnh nhân SR tăng 10,57%, tỷ lệ ký sinh trùng SR tăng 32,35% so với cùng kỳ 2011, đã có 3 ca tử vong do SR. Những tỉnh có bệnh nhân tăng gồm: Gia Lai, Đak Lak, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Theo đánh giá của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, tình hình sốt rét (SR) 6 tháng đầu năm 2012 ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có xu hướng gia tăng: số bệnh nhân SR tăng 10,57%, tỷ lệ ký sinh trùng SR tăng 32,35% so với cùng kỳ 2011, đã có 3 ca tử vong do SR. Những tỉnh có bệnh nhân tăng gồm: Gia Lai, Đak Lak, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Với những số liệu như trên, dự báo tình hình SR có thể có chiều hướng tiếp tục gia tăng vào những tháng cuối năm 2012.

Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh cho biết: Đến thời điểm này toàn tỉnh đã nhận 1.930 trường hợp mắc SR đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 645 ca (50,9%) so với cùng kỳ năm 2011; ký sinh trùng SR tăng 77,97% (616/908 ca); SR ác tính giảm 85,7% (2/14 ca) và không có tử vong do sốt rét. Các địa phương có tỷ lệ SR tăng cao gồm: Ayun Pa (352,38%), Krông Pa (229,61%), Ia Pa (160,66%); bệnh nhân chủ yếu là những người đi rừng, ngủ rẫy, khai hoang làm cao su, làm công nhân tại công trường thủy điện…

 

Khám bệnh cho bệnh nhân bị sốt rét. Ảnh: T.B
Khám bệnh cho bệnh nhân bị sốt rét. Ảnh: T.B

Tuy nhiên, dù số ca điều trị tăng, nhưng con số này không đáng lo ngại, bởi để xét về diễn biến phải tính trên cả 3 chỉ số: bệnh nhân nhập viện, trường hợp mắc SR ác tính và số người tử vong do SR gây ra. Thực tế, từ đầu năm đến nay Gia Lai mới có 2 ca SR ác tính và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SR gây ra (năm 2000, Gia Lai có 30 ca tử vong do SR, năm 2011 có 1 trường hợp-N.V).

Trước tình hình trên, từ đầu năm đến nay Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng-chống SR. Cùng với công tác truyền thông giáo dục, mở các lớp tập huấn, Trung tâm đã cử cán bộ xuống các địa phương, phân tích tình hình một số trọng điểm SR để có dự báo sớm diễn biến tình hình và có những hỗ trợ chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng-chống SR.

Theo đó, đã tổ chức giám sát, phát hiện và điều trị ở các địa bàn có biến động về SR: tại điểm cố định (gồm 7 xã: Ia Tô, Ia Krái, Ia O, Ia Chía, Ia Khai-huyện Ia Grai; Sơ Ró-huyện Kông Chro và xã Ia Dom-huyện Đức Cơ). Tại đây đã tổ chức khám cho 1.213 lượt người, phát hiện 15 bệnh nhân SR, 8 ký sinh trùng SR (chiếm 1,23%). Tại điểm biến động, gồm 5 xã của huyện Krông Pa: Chư Gu, Đất Bằng, Ia Rsai, Ia Hdreh và Chư Rcăm, đã tổ chức khám cho 697 lượt người, phát hiện 42 bệnh nhân SR (chiếm 6,02%).

Bên cạnh đó, cán bộ của 17 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức giám sát công tác này tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn (3 điểm giám sát/tháng). Quan trọng nhất là triển khai việc tẩm màn bằng hóa chất để phòng-chống dịch bệnh SR, đến thời điểm này đã hoàn thành việc tẩm màn đợt 1 cho người dân tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với trên 3.000 lít dung dịch được dùng để bảo vệ cho 470.648 người và số màn được tẩm là 232.568 chiếc.

Hiện nay đang giữa mùa mưa, diễn biến thời tiết thất thường, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh SR phát triển. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số bệnh nhân mắc SR, Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh khuyến cáo: Biện pháp phòng-chống SR hiệu quả nhất chính là ngủ có mắc màn. Những người dân trong vùng trọng điểm SR, đã được cấp màn hay màn đơn tẩm sẵn hóa chất thì phải sử dụng màn một cách thường xuyên. Đối với người đi rừng, ngủ lại rẫy thì nên đến trạm y tế xã xin cấp một liều thuốc tự điều trị, khi bị bệnh thì uống ngay, sau đó tiếp tục đến trạm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Điều này sẽ hạn chế được sự lây lan của SR và giảm nguy cơ tử vong do SR. Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh, lấp ổ nước đọng; đồ đựng nước trong nhà phải có nắp đậy, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Ở các vùng có bệnh SR lưu hành, bà con cũng cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo dài tay khi đi làm, lúc chiều tối và sáng sớm, bôi thuốc chống muỗi đốt lên những chỗ da hở, đốt hương muỗi… để hạn chế tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà.

Theo Báo Gia Lai